Theo dòng thời sự: Bóng đá cho ai?

Bầu Kiên (ảnh) cho "nổ bom" tại Lễ tổng kết mùa giải 2011 và chỉ 24 giờ sau, tới lượt VFF "phản pháo" dữ dội - Những động thái được xem là gây chấn với làng cầu Việt sau 10 năm lên chuyên mà ở đó ai cũng coi bóng đá là thứ của riêng mình mà chẳng hề đếm xỉa đến cái cấu thành quan trọng nhất - Người hâm mộ!

1. Hãy bắt đầu với ông bầu Kiên cùng "quả bom" được phát nổ tại Lễ tổng kết mùa giải 2011. Sau 10 năm khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, bóng đá vẫn chưa thể tự nuôi sống được mình mà vẫn cứ phải hít thở qua hầu bao của doanh nghiệp. Hay nói đúng hơn, chỉ từ khi mô hình "bóng đá doanh nghiệp" ra đời, cái chữ chuyên kia mới thực sự định hình rõ nét. Bằng nguồn lực lớn về tài chính, kết hợp với cách đầu tư, quản lý và kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp, mà cụ thể ở đây là các ông bầu chứ không phải là VFF mới là chỗ dựa mang tính sống còn cho sân chơi chuyên nghiệp.

Ông bầu Kiên.


Khoan hãy bàn đến chuyện đúng - sai ở từng chi tiết trong bài phát biểu của bầu Kiên, bởi ở đó có nhiều vấn đề để mà làm rõ thì còn phải viện tới cả... cơ quan điều tra (điển hình là vụ gạ mua trọng tài với giá 500 triệu đồng trước trận ĐTLA - HPHN), nhưng rõ ràng ý kiến của bầu Kiên hoàn toàn có trọng lượng. Đơn giản, đó là ý kiến từ phía doanh nghiệp, những người đã và đang góp phần lớn làm nên cái thương hiệu chuyên nghiệp mà nếu trong thời điểm khó khăn về kinh tế này, nếu họ rút (thực chất là đã có trường hợp rút của HPHN), thì đó sẽ là bước lùi lớn cho bóng đá Việt Nam.

Chỉ có điều khi bóng đá nằm trong tay doanh nghiệp và với doanh nghiệp, mục tiêu tối thượng là hiệu quả trong công tác kinh doanh, thì bóng đá xét cho cùng cũng chỉ còn là cái phương tiện không hơn, không kém. Thực chất thì trong 10 năm qua, bên cạnh những ông bầu thực sự làm thứ bóng đá "sạch" khi kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố: Tiền bạc và chuyên môn, thì cũng có không ít người sử dụng bóng đá như phương tiện để kinh doanh những mục tiêu riêng bằng cách chi thật nhiều tiền để... ăn xổi thành tích, thay vì hướng tới sự phát triển chung mang tính bền vững.

Việc HPHN rút lui và bài phát biểu đầy bức xúc của bầu Kiên tại Lễ tổng kết có thể báo hiệu cuộc rút lui của doanh nghiệp trong bóng đá. Chỉ có điều, đó là cuộc rút lui khi mục tiêu kinh doanh bất thành mà bất chấp những mất mát lớn với người hâm mộ nước nhà.

2. Bóng đá và doanh nghiệp là mối quan hệ mang tính hữu cơ trên lộ trình chuyên nghiệp hóa - Đó là thực tế không thể phủ nhận. Vì thế, dù cách đầu tư và mục tiêu khi làm bóng đá đỉnh cao của doanh nghiệp vẫn còn là vấn đề phải bàn cãi, thì chẳng thể phủ nhận rằng bóng đá Việt Nam sau 10 năm lên chuyên cũng không còn là cái môi trường thực sự hấp dẫn trong con mắt các nhà kinh doanh.

Bóng đá ngày nay giàu có hơn, tính cạnh tranh cũng cao hơn, nhưng cũng xuất hiện nhiều hơn những vấn đề mang tính tiêu cực mang tính xã hội. Tình trạng bạo lực, xuống cấp về văn hóa không chỉ xuất hiện trên sân cỏ mà còn lan lên cả khán đài. Hiện tượng tiêu cực tiếp tục tồn tại trong các trận cầu nhạy cảm, hay liên tiếp những sai lầm từ giới trọng tài khiến người hâm mộ phải đặt dấu hỏi lớn về sự minh bạch của sân cỏ nội. Đặc biệt là sau 10 năm bước trên con đường chuyên nghiệp hóa, theo chính vị Phó Chủ tịch VFF thừa nhận trong buổi lễ tổng kết mùa giải thì trình độ quản lý, chỉ đạo, điều hành của Liên đoàn vẫn chưa thể bắt kịp với mặt bằng xã hội.

Tóm lại, bóng đá nằm trong tay doanh nghiệp với mục tiêu kinh doanh mà nếu không đạt họ sẵn sàng tiến hành cuộc ly khai (tuyên bố tách ra thành lập Super Liga của bầu Kiên). Còn với VFF - tổ chức chuyên môn quyền lực nhất, bóng đá cũng chỉ là thứ thương hiệu để thu hút đầu tư, có thêm tiền bạc vào cho chính mình, thay vì hướng tới thứ bóng đá đích thực - vì sự phát triển chung của toàn xã hội, vì niềm vui của người hâm mộ. Đó mới là thứ đáng để lo sau "quả bom" và màn "phản pháo" vừa qua.

Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN