Thừa nhận trận thua 1-6 trước đối thủ cùng thành phố Man City là thảm kịch trong suốt sự nghiệp gắn bó với trái bóng tròn của mình, nhưng hơn ai hết, ông thầy lão luyện Alex Ferguson hiểu rằng - Thế giới bóng đá đã thay đổi!
Rất, rất nhiều lý do đã được người đàn ông quyền lực nhất trên làng cầu thế giới đưa ra để lý giải cho thất bại được xem là cay đắng trong lịch sử Man Utd. Tuy nhiên, nếu nghe lại những gì mà Sir Ferguson đã nói về quyền lực của đồng tiền bóng đá và cái cách mà người láng giềng Man City tiếp cận với đỉnh cao quyền lực, thì rõ ràng, với người đàn ông gốc Xcốtlen này, đó không hề là sự bất ngờ, dù chẳng ai nghĩ - cay đắng đến thế.
Man Utd thua thảm trước Man City đang báo hiệu sự thay đổi giá trị trong làng bóng đá. |
Người Anh sinh ra bóng đá hiện đại và cũng chính ở xứ sở sương mù, bóng đá trở thành thứ nghệ thuật đỉnh cao, thành ngành công nghiệp giải trí siêu lợi nhuận với giải VĐQG mang tên Premier League mà ở đó, đội bóng đại diện cho màu đỏ của thành Manchester chính là tượng đài lớn. Part of the game - Đơn giản chỉ là trò chơi! Người Anh đã gắn cho giải Ngoại hạng của mình khẩu hiệu như thế, chỉ có điều khi bóng đá biến thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ thì cũng cần dòng tiền đầu tư lớn đổ vào đó và các CLB hàng đầu của họ cứ lần lượt rơi vào tay các ông chủ nước ngoài.
Theo thống kê mới nhất, hiện trong số 20 đội tham dự giải Ngoại hạng Anh thì có tới 11 đội là thuộc sự sở hữu của các ông chủ ngoại quốc, hoặc họ nắm nhiều nhất số cổ phiếu quyết định vận mệnh của CLB. Đó là Roman Abramovich (Nga) người nắm toàn bộ Chelsea cũng như Randy Lerne (Mỹ) của Aston Villa; tập đoàn Venky's (Ấn Độ) với Blackburn; Mohamed Al-Fayed (Ai Cập) với Fulham; Mansour bin Zayed Al Nahyan (UAE) với Man City... thậm chí là cả Man Utd đều nằm trong tay nhà Malcolm Glazer (Mỹ)... Chính vì thế, theo dự đoán, làn sóng các tỉ phú nước ngoài đầu tư vào bóng đá Anh sẽ ngày càng tăng mạnh trong tương lai. Thậm chí, sẽ không dừng ở các CLB ngoại hạng mà xuống cả hạng Nhất.
Cái lợi của làn sóng này quá rõ, khi với hầu bao không đáy của những ông chủ nước ngoài, các CLB có thêm tiềm lực kinh tế để phát triển về cả hạ tầng lẫn chuyên môn. Tuy nhiên, những mối lo ngại thì cũng trở nên hiện hữu. Trận thua lịch sử 1-6 của Man Utd trước Man City rõ ràng không nằm trên sân cỏ hay những giá trị cơ bản của bóng đá mà đơn giản là vì đội bóng màu xanh của thành Manchester trở nên quá mạnh khi được tăng cường rất nhiều ngôi sao trong đội hình thông qua túi tiền của ông bầu Arap.
Nếu chỉ có các đội bóng lớn nhận được sự đầu tư này, thì đương nhiên quá trình phân hóa giàu nghèo sẽ diễn ra và khoảng cách ngày càng gia tăng, chính vì vậy Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đang phải đối mặt với khả năng chấm dứt luật xuống và lên hạng đang hiện hành. Cụ thể, hiện nay ở mỗi mùa sẽ có 3 đội bóng Premier League có thứ hạng thấp nhất phải xuống chơi ở hạng dưới, là Championship. Ngược lại, sẽ có 3 đội từ Championship được lên chơi ở Premier League. Tuy nhiên, các ông chủ nước ngoài muốn bãi bỏ hoàn toàn cơ chế này, bởi khi đầu tư vào một đội bóng, cũng như một công ty, họ sẽ muốn công ty ấy luôn ở trong tình trạng ổn định, tức là không còn chuyện lên - xuống hạng.
Hơn thế, giải Ngoại hạng Anh hiện tại tồn tại dưới dạng công ty cổ phần và bất cứ đề xuất thay đổi nào đều sẽ được thông qua nếu nhận được 2/3 phiếu thuận tức là được sự đồng ý của 14 trên tổng số 20 CLB - các cổ đông chính. Đương nhiên, nếu các CLB đã nằm trong tay các ông chủ nước ngoài, thì việc chấm dứt chuyện lên - xuống hạng hoàn toàn có thể xảy ra.
Chỉ có điều, nếu bóng đá mà không có chuyện lên - xuống hạng thì... còn gì là bóng đá và nói bóng đá đang thay đổi là thế!
Hoàng Hà