Thông báo được chính quyền Thụy Sĩ đưa ra ngày 18/10, trong đó nêu rõ kế hoạch mới này sẽ duy trì mức ngân sách phù hợp với doanh thu dự kiến khoảng 1,5 tỷ franc (khoảng 1,6 tỷ USD). Nếu thành công, đây có thể là lần đầu tiên một quốc gia, thay vì một thành phố, được giao nhiệm vụ tổ chức Olympic mùa Đông.
Thời gian tới, Thụy Sĩ sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu dành cho đại biểu các vùng cho ý kiến về việc có thông qua kế hoạch xin đăng cai nêu trên hay không. Trong khi đó, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ lựa chọn thành phố đăng cai Olympic mùa Đông 2030 và 2034 vào mùa Hè tới.
Theo truyền thống, một quốc gia được chọn để tổ chức Olympic khoảng 7 năm trước khi sự kiện diễn ra, song IOC đang nỗ lực để quá trình lựa chọn này ít mang tính cạnh tranh hơn và tập trung vào đối thoại.
Trong quá khứ, Thụy Sĩ từng tổ chức Olympic mùa Đông 1928 và 1948, cả hai lần đều ở khu nghỉ dưỡng trên núi tại thị trấn St. Moritz. Tuy nhiên, trong những năm qua, người dân nước này tỏ ra thờ ơ với kế hoạch đăng cai sự kiện thể thao trên. Trong các cuộc bỏ phiếu cấp địa phương, kế hoạch xin đăng cai Olympic mùa Đông ở các thành phố của Thụy Sĩ từ năm 2013 tới 2018 đã 3 lần bị bác bỏ. Lần này, các cơ quan liên quan đến quá trình xin đăng cai Olympic mùa Đông 2030 đang có cơ sở để tin tưởng khi kết quả thăm dò hồi tháng 8 cho thấy khoảng 65% người dân Thụy Sĩ ủng hộ kế hoạch này.
Theo giới quan sát, duy trì cơ sở hạ tầng mới ở mức tối thiểu là “chìa khóa” để có được sự ủng hộ lâu dài của người dân. Kế hoạch của chính quyền Thụy Sĩ là để thành phố Lausanne, “quê hương” của IOC và thủ đô Bern tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, trong khi các sự kiện khác được tổ chức trải rộng khắp các thành phố như Zurich và Zug, cũng như các khu nghỉ dưỡng trên núi bao gồm Crans-Montana, St. Moritz và Kandersteg.