Việc CLB Bóng đá Hoà Phát Hà Nội quyết định tăng giá vé trận tiếp đội khách Vicem Hải Phòng trong khuôn khổ vòng 9 V-League 2011 diễn ra trên sân Hàng Đẫy chiều 3/4 từ mức 40.000 đồng lên... 200.000 đồng khiến dư luận có nhiều ý kiến.
Đây là mức giá được xem là kỷ lục với hệ thống giải trong nước, thậm chí còn cao hơn một số trận của đội tuyển nam quốc gia trên sân Mỹ Đình vốn là thứ hút hàng nhất hiện tại.
Việc nâng giá vé có ngăn cản được các cổ động viên quá khích có mặt ở sân? Ảnh: Ngọc Trường - TTXVN |
Đâu là lý do của lần tăng giá bất thường này? Trận cầu hấp dẫn và mang tính quyết định? Không hề, bởi vào lúc này thì V-League mới chỉ ở chặng khởi đầu, chuyện thắng - thua chỉ ở một trận đấu chưa quyết định điều gì về chuyên môn. Hơn thế, cả chủ nhà Hòa Phát lẫn đội khách Hải Phòng chẳng phải là những tên tuổi quá lớn để đủ tầm tranh ngôi Vương.
Do lạm phát? Không hẳn dù ai cũng biết lúc mà tiền bạc đang trở nên "xuống giá" thì chi phí cho công tác tổ chức ngày càng tăng cao, bởi lẽ vé chưa bao giờ là nguồn thu đáng kể và cái sân Hàng Đẫy thời bóng đá lên chuyên cũng chưa bao giờ kín chỗ. Ngoài ra, cái giá kỷ lục ấy cũng chỉ được áp dụng "riêng" cho trận đấu này chứ không phải là cả mùa giải còn lại.
Theo lý giải từ phía CLB chủ sân, đơn giản là việc tăng giá này là do chi phí tổ chức trận cầu này quá cao. Chính xác hơn là công tác an ninh được tăng cường ở mức cao nhất nhằm đối phó với các CĐV đất Cảng vốn quá nổi tiếng với chuyện quậy phá. Cái mức giá cao kỷ lục kia còn được hiểu một cách dân dã hơn là nhằm “đánh thẳng vào túi tiền” khiến CĐV Hải Phòng vì thế mà... ngại đến sân(!?). Một kiểu dẹp nạn bạo lực thể hiện cho sự bất lực trước vấn nạn này trong làng cầu nội?
Quyết định lạ đời của Hòa Phát cùng sự "tiếp tay" từ phía VFF khi khẳng định đó là cái... quyền riêng! Đã biến trận cầu trên sân Hàng Đẫy trở thành điểm nóng theo đúng cái nghĩa đen của từ này bởi cái điều mà ban tổ chức chờ đợi đã không tới như mong đợi. Khán đài B, nơi vốn vẫn dành cho CĐV khách trở nên vắng ngắt khi các fan đất Cảng bất ngờ đổ bộ vào khán đài A để chiếm đa số. Rồi không phải CĐV Hải
Phòng nào cũng mặc chiếc áo đỏ quen thuộc khi mà lệnh cấm đến sân khách của VFF vẫn còn hiệu lực, nhưng chỉ cần nhìn vào cách cổ vũ "quen thuộc" của họ là đủ biết. Chưa hết, trong số hàng trăm CĐV Hải Phòng, không phải ai cũng móc túi bỏ 200.000 đồng mua vé, bởi phía ngoài sân Hàng Đẫy chỉ với vài chục, không ít người đã sở hữu được tấm thẻ xem cả mùa của chính... CĐV Hòa Phát Hà Nội. Quyết định tăng giá vé đã thực sự trở thành "trò cười", khi những tờ đô la "âm phủ" từ tay fan đất Cảng bay tứ phía trên sân.
Bạo lực đã không nổ ra, nhưng không có nghĩa là cái quyết định kiểu này phát huy được tác dụng mà ngược lại nó đã trở thành "vết đen" cho V-League.
Trong lúc sân cỏ nội thì ngày càng vắng khách và những nhà tổ chức sẵn sàng làm mọi cách để khán giả đến sân, kể cả là mở cửa miễn phí, thì Hòa Phát lại làm điều ngược lại. Tệ hơn, cái việc nâng giá vé vô tội vạ còn bất cập ở chỗ nó "đánh đồng" những CĐV chân chính với những kẻ quá khích khác trên khán đài. Và dù đó là biện pháp "gây sốc" thì CĐV Hải Phòng, những người trên lý thuyết đang bị VFF cấm đến sân khách vẫn cứ có mặt, vẫn có những lời lẽ đến hành vi cổ động khó chấp nhận.
Sự bất lực của sân Hàng Đẫy và của chính VFF là quá rõ qua những gì đã diễn ra trên sân Hàng Đẫy chiều 3/4. Nhưng quan trọng hơn là nếu sự bất lực ấy kéo dài, nếu sân bóng nào cũng tự cho mình cái quyền "tăng giá", quyền "lựa chọn khán giả" thì thử hỏi có còn không Bóng đá Việt để chính VFF điều hành?
Vũ Minh