Hơn 80 năm lịch sử các vòng chung kết World Cup đã chứng kiến vô vàn cảm xúc, những khoảnh khắc in dấu mãi trong lòng người hâm mộ bao thế hệ. Dưới đây là những dấu ấn đáng nhớ nhất:
- Bàn thắng đầu tiên của World Cup: Ngày 13/7/1930: Khoảng 25 năm sau khi ý tưởng về một giải bóng đá toàn cầu được nhen nhóm, 13 đội tuyển kể cả đội chủ nhà đã hội quân tại quốc gia Nam Mỹ Uruguay. Trong ngày khai mạc, trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup, Pháp đã đánh bại Mexico 4-1 với pha làm bàn đầu tiên trong lịch sử giải đấu của cầu thủ Lucian Laurent.
- Brazil lần đầu vô địch nhờ nguồn cảm hứng Pele: Ngày 29/6/1958: Brazil đã giành ngôi vị bá chủ thế giới lần thứ nhất nhờ thắng lợi 5-2 trước chủ nhà Thụy Điển, giúp làm vơi bớt nỗi đau của 8 năm trước khi để thua Uruguay ngay tại sân nhà Maracana. Vòng chung kết năm 1958 cũng là nơi trình làng tài năng 17 tuổi Edson Arantes do Nascimento, được biết đến nhiều hơn với cái tên Pele. Ông đã ghi 2 bàn trong trận chung kết, đưa tổng số lần lập công trong giải lên con số 6.
Đội tuyển Brazil vô địch World cup 1970. Ảnh: Telegraph |
- Brazil độc chiếm Cúp Jules Rimet: Ngày 21/6/1970: Đây có lẽ ngày vinh quang nhất trong lịch sử tranh tài tại World Cup của Brazil khi các “vũ công Samba” giành chức vô địch lần thứ ba. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Selecao được quyền giữ Cúp Jules Rimet vĩnh viễn. Cùng với huyền thoại Pele và những ngôi sao sáng như Jairzinho, Tostao và Rivelino, đội tuyển Vàng-Xanh đã trình diễn lối chơi tấn công hoa mỹ nhất mà thế giới từng được chứng kiến.
- Hungary lập kỷ lục ghi 10 bàn vào lưới El Salvador: Ngày 15/6/1982 Hungary đã nã 10 viên đại bác vào lưới El Salvador trong trận đấu mở màn bảng C, trở thành đội ghi nhiều bàn nhất trong một trận đấu World Cup. Nhưng dù thắng đối phương với tỷ số 10-1, với cú hat trick chỉ trong 7 phút của Laszlo Kiss, Hungary vẫn không thể lọt được vào vòng tiếp theo.
- Italy vùi dập Đức trong trận chung kết năm 1982: Ngày 11/7/1982 tiền đạo Paolo Rossi đã tìm lại được bản năng làm bàn “sát thủ” của ông trong trận Italy gặp “cỗ xe tăng” Đức trên đất Tây Ban Nha. Huyền thoại của Juventus đã đưa các Azzurri vươn lên dẫn trước bằng bàn thắng thứ 6 trong giải. Sau đó, tiền vệ Marco Tardelli và Alessandro Altobelli lần lượt chọc thủng lưới Đức và mang về cho đội nhà thắng lợi đầy bất ngờ.
- Maradona và “Bàn tay của Chúa”: Ngày 22/6/1986, hiếm có một trận cầu nào của World Cup lại mang đến nhiều cảm xúc lẫn lộn như trận tứ kết Anh-Argentina năm 1986. Đó là pha bóng được mệnh danh “Bàn tay của Chúa”, với cú chạm bóng bằng tay trái của Maradona qua mặt thủ thành người Anh Peter Shilton, đưa bóng đi thẳng vào lưới mà trọng tài không hề hay biết. "Tam Sư" sau đó đã bị loại tức tưởi, còn Argentina đi thẳng một mạch tới chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử của mình.
Bàn thắng “Bàn tay của Chúa” khiến người Anh khóc hận. Ảnh: The Guardian |
- Gianluca Pagliuca trở thành thủ môn đầu tiên nhận thẻ đỏ: Ngày 23/6/1994, ở phút thứ 21 của trận đấu vòng bảng gặp Na Uy, thủ thành Pagliuca của Italy bị đuổi khỏi sân sau khi nhận thẻ đỏ trực tiếp vì đã để tay chạm bóng ở ngoài vòng cấm địa. Chiêu “thí tốt” của huấn luyện viên Arrigo Sacchi đã có tác dụng khi thay ngôi sao Roberto Baggio bằng thủ môn phụ Luca Marchegiani. Dino Baggio đã ghi bàn quyết định chiến thắng cho Italy ở phút 69.
- Đương kim vô địch Đức cay đắng xách vali về nước sau thất bại trước Bulgaria: Ngày 10/7/1994, lần đầu tiên kể từ năm 1978, Đức không thể góp mặt trong trận chung kết World Cup khi bị Bulgaria “hạ nhục” 2-1 trong trận tứ kết ở New Jersey, Mỹ. Trong trận cầu đó, Bulgaria đã hoàn tất cuộc phế ngôi vĩ đại nhờ pha sút phạt “thần sầu” của huyền thoại Hristo Stoichkov và cú đánh đầu đầy uy lực của "chàng hói" Iordan Letchkov.
- Blanc giải cứu Pháp bằng "bàn thắng vàng": Ngày 28/6/1998, Laurent Blanc chính là cầu thủ đầu tiên ghi bàn thắng vàng trong một vòng chung kết World Cup. Luật bàn thắng vàng được áp dụng nhằm khuyến khích các đội chơi tấn công trong hiệp phụ cũng như để giảm khả năng phải thi đấu loạt penalty. Chỉ vài phút trước khi hiệp phụ chấm dứt, hậu vệ Blanc đã tung cú sút trái phá qua tay thủ thành Jose Luiz Chilavert của Paraguay để mang về thắng lợi nhọc nhằn cho đội nhà.
- Cơn ác mộng của Beckham trước Argentina: Ngày 30/6/1998, David Beckham không phải lúc nào cũng là "cậu bé vàng" của bóng đá Anh. Đầu hiệp hai trận đấu vòng 1/8 với Argentina, tiền vệ tóc vàng đã trở thành tội đồ vì nhận thẻ đỏ rời sân sau pha đá nguội Diego Simeone. Nhiều người cho rằng Beckham đã bị một Simeone ma mãnh gài bẫy. Beckham trở thành trò cười trong suốt nhiều tháng liền nhưng chính sự kiên nhẫn sau đó đã giúp anh ghi điểm trong mắt người hâm mộ.
- Zidane đưa Pháp lên đỉnh vinh quang: Ngày 12/7/1998, hai pha không chiến thành bàn của Zinedine Zidane vào lưới Brazil trong hiệp một trận chung kết đã khiến bầu không khí trên sân Stade de France nổ tung. Vào những phút cuối trận, tiền vệ tóc vàng Emmanuel Petit đã kết liễu số phận các Selecao bằng bàn thắng thứ ba, đồng thời mở ra những bữa tiệc ăn mừng cuồng nhiệt trên khắp đất nước hình lục lăng. "Gà Trống" đã lần đầu tiên vô địch World Cup tại một giải đấu mà các vũ công Samba Brazil được đánh giá là vượt trội với hàng loạt huyền thoại trong đội hình.
Cú "thiết đầu công" của Zidane đốn hạ Matterazzi. Ảnh: Reutes
|
- Cú húc đầu của Zindane gây sốc cho cả thế giới: Ngày 9/7/2006, người hùng của Pháp tại World Cup 1998 Zidane được thuyết phục gác lại ý định treo giầy để lĩnh xướng đội tuyển Pháp trong hành trình World Cup 2006. Nhưng trong hiệp phụ gặp Italy, Zindane đã tiến về phía Matterazzi của Italy và giáng cho hậu vệ này một cú “thiết đầu công”, khiến anh nằm vật xuống sân và ôm ngực trông rất đau đớn. Tấm thẻ đỏ ngay sau đó đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp bóng đá của Zidane.
- Tây Ban Nha lần đầu lên ngôi vua: Ngày 11/7/2010, bốn phút trước khi kết thúc hiệp phụ, vào lúc trận chung kết kịch tính với Hà Lan dường như chỉ còn chờ những quả luân lưu 11m, tiền vệ Andres Iniesta đã ghi bàn thắng quyết định vào lưới “Cơn lốc màu da cam”. Với chiến thắng này, Tây Ban Nha trở thành nhà vô địch thứ 8 trong lịch sử World Cup, nhưng lại là đội tuyển châu Âu đầu tiên vô địch thế giới ở bên ngoài cựu lục địa.
Việt Anh - Liên Hương