Lance Amstrong (ảnh) đã từng trở thành tâm điểm của làng thể thao thế giới, với chiến tích khiến tất cả phải nể phục. Anh đã từng có tất cả. Anh sống trong đỉnh cao vinh quang và sự ngưỡng mộ dành cho ý chí, niềm tin, sức mạnh và khát khao chiến thắng số phận... Nhưng giờ thì anh đã xuống vực sâu.
Từ đỉnh cao... xuống vực sâu
Câu chuyện về chàng nhân viên bưu điện vượt qua căn bệnh ung thư tinh hoàn rồi sau đó trở thành nhà vô địch của các giải đua xe đạp thế giới trở thành cảm hứng và động lực cho những người bị ung thư. Liên tiếp giành 7 chức vô địch giải đua xe đạp danh tiếng nhất thế giới - Tour de France, là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của tay đua người Mỹ và không có gì ngạc nhiên khi cái tên Lance Amstrong được xếp vào hàng ngũ những huyền thoại.
Anh chiến thắng ở rất nhiều giải đấu khác, bắt đầu từ năm 1991 (20 tuổi) cho đến năm 2012. Lance đầu quân cho nhiều đội đua và nâng cao uy tín của mình với những chiến công cho các đội đua Motorola, US Portal/Discovery, Astana hay Team RadioShack...
Trong thời gian vật lộn với căn bệnh ung thư, Lance thành lập Quỹ Lance Amstrong vào năm 1997, kêu gọi những đóng góp từ nhiều phía để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư và những căn bệnh hiểm nghèo.
Uy tín của Quỹ ngày càng tăng theo những chiến công mà Lance có được, đặc biệt là tại Tour de France (từ 1999 đến 2005) thu hút được nhiều nhà tài trợ, để tính đến thời điểm này, Quỹ đã quyên góp được khoảng 500 triệu USD.
Nhưng trong khi cả thế giới thể thao tôn vinh Lance, không nhiều người biết được từ sâu thẳm bên trong, tay đua người Mỹ có một điều che giấu. Giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp (anh tuyên bố giã từ sự nghiệp vào năm 2005 trước khi trở lại vào năm 2008), anh vẫn tham dự các giải đấu lớn nhưng chiến thắng đã không còn xuất hiện thường xuyên. Cáo buộc về hành vi gian lận bằng cách sử dụng doping bắt đầu xuất hiện từ năm 2010, khi các cơ quan chống doping được yêu cầu vào cuộc điều tra các hoạt động của Lance ở các đội đua trước đây.
Rất nhiều lần kiểm tra, thử doping, nhưng Lance đều một mực phủ nhận cùng những tuyên bố đanh thép rằng, mình vô tội và “kết quả có được là nhờ sự nỗ lực tập luyện chứ không phải do chất kích thích”.
Thậm chí, đến tháng 2/2012, Tòa án Mỹ chính thức tuyên bố khép lại vụ điều tra mà không đưa ra một án phạt nào. Tuy vậy, cho đến ngày 10/10, Ủy ban chống doping Mỹ tuyên bố, Amstrong là một phần trong “chương trình sử dụng doping tinh vi, chuyên nghiệp và thành công nhất trong lịch sử thể thao từ trước đến nay”. Bản cáo trạng dày đến 1.000 trang đã được chuẩn bị với những chứng cứ đầy đủ nhất. Anh bị cấm tham gia các sự kiện đua xe đạp trong phần còn lại của cuộc đời...
Từ chức để không ảnh hưởng đến Quỹ
Chuẩn bị phải đối mặt với án phạt nặng, bị tước các danh hiệu giành được, Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Quỹ Lance Amstrong (đã được đổi thành Livestrong từ năm 2004) trở thành một sự kiện không hoàn hảo, khi Lance quyết định từ chức khỏi cương vị Chủ tịch trước đó 2 ngày.
Khi Livestrong đã trở thành một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trong hoạt động từ thiện và chống ung thư, sự vụ của Lance có thể ảnh hưởng đến Quỹ. Do vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, anh đã đi một “nước cờ” hợp lý, để không ảnh hưởng đến tổ chức, đồng thời không tách mình khỏi hoạt động mà anh đã thực hiện hết mình trong 15 năm qua.
Hình ảnh của Lance trong làng thể thao đã không còn đẹp đẽ như trước, anh cũng đang mất đi nhiều thứ, nhiều bản hợp đồng với các hãng như Nike, RadioShack, Trek, Anheuser-Busch và một số tiền không nhỏ. Cùng với đó, những vấn đề về sự tồn tại của Livestrong đã được đặt ra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Quỹ này vẫn sẽ có được một tương lai mạnh mẽ, vì hoạt động từ thiện có thể dựa vào danh tiếng của ai đó để kêu gọi quyên góp, nhưng vẫn có thể tồn tại một cách độc lập khi từ thiện và thể thao là 2 hoạt động tách biệt.
Hơn thế nữa, thể thao thế giới có thể muốn quên đi hình ảnh của Lance, nhưng trong mắt các bệnh nhân ung thư, các nhà từ thiện, người đàn ông 41 tuổi này vẫn là một người hùng. Nhiều người không còn tin Lance về những tuyên bố trong hoạt động thể thao nhưng khi anh nói rằng: “Nhiệm vụ quan trọng hơn bản thân tôi, hơn bất kỳ cá nhân nào”, thì ít nhất, 28 triệu bệnh nhân ung thư trên khắp thế giới vẫn còn tin vào những đóng góp của anh. Niềm tin vào việc Lance không hành động như vậy để cứu vãn hình ảnh của mình, mà vì đồng cảm với những người mang trong mình căn bệnh như anh đã từng phải chiến đấu để giành giật cuộc sống.
Tam Nguyên