Cùng với đó, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 9.000 khách hàng với trên 35.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi 8.000 tỷ đồng cho gần 1.000 khách hàng. Đồng thời, hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu là 45.085 tỷ đồng; trong đó hạ lãi suất đối với dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 10.370 tỷ đồng với gần 10.000 khách hàng.
Trong những tháng đầu năm 2020, Agribank đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 như: Triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; ban hành chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2,5%/năm nhằm mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, chương trình chính sách đặc biệt cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Agribank thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán đối với tất cả các giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua các kênh: thanh toán song phương, thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường các hình thức quảng bá, khuyến khích khách hàng ưu tiên lựa chọn hình thức giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, Agribank chỉ đạo toàn hệ thống tiếp tục phối hợp với khách hàng trong việc thu thập hồ sơ, tài liệu xác định mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để có giải pháp kịp thời hỗ trợ khách hàng, sớm ổn định và khôi phục sản xuất.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank khẳng định: Agribank luôn kiên định mục tiêu và giải pháp theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN trong triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ khách hàng, xử lý nghiêm trách nhiệm đơn vị, cá nhân không triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng cũng đảm bảo thanh khoản, cấp tín dụng cho nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến khách hàng, tăng cường liên kết đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố để nắm bắt những khó khăn của khách hàng. Phát triển cho vay theo chuỗi giá trị kết hợp với đánh giá hiệu quả việc triển khai công tác tín dụng của các Chi nhánh, nâng cao công tác kiểm tra, giám sát của trụ sở chính đối với các đơn vị trên toàn hệ thống.