Giảm lãi suất vay từ 1,5 - 3%/năm
Dịch bệnh nCoV khiến nông dân nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn về đầu ra nông sản như: Dưa hấu, thanh long… Đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và sau Tết.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch viêm phổi cấp đã tác động tổn thương tất cả các ngành kinh tế, trong đó nông nghiệp là ngành chịu tổn thương lớn nhất. Bởi, Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ nông sản Việt Nam, chiếm 22 - 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam; trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cơ bản như rau, quả. Bên cạnh đó, những thương thảo về thương mại nông sản vừa qua với Trung Quốc về các mặt hàng như sầu riêng, yến, khoai lang… bị tạm dừng lại.
Đồng hành cùng người nông dân trồng trái cây chịu ảnh hưởng lớn của nCoV, Kienlongbank đã giảm lãi suất cho vay 3%/năm kể từ nay đến ngày 30/4 đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank thời gian qua. “Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh”, đại diện Kienlongbank nói.
Phía VPBank cũng có những hành động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp. Trong danh mục khách hàng VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn dịp này gồm: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng - ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh có khách du lịch như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu như nông, thủy sản; các khách hàng có nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc… sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm; giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định của ngân hàng.
“Ngoài việc hỗ trợ về chính sách giảm lãi suất cho vay, ngay từ những ngày đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, VPBank đã gặp các doanh nghiệp để tìm hiểu, đánh giá tác động của dịch nCoV tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm xem xét giãn nợ, cấu trúc nợ. Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn phức tạp”, đại diện VPBank nói.
Theo ông Trần Văn Tần, Uỷ viên Hội đồng Quản trị VietinBank, ngân hàng đã có văn bản đánh giá sơ bộ thiệt hại dịch gây ra với nền kinh tế gửi cho các chi nhánh toàn quốc; đồng thời chỉ đạo các chi nhánh rà soát lại nắm bắt cụ thể khi có diễn biến mới…VietinBank cũng có những giải pháp cụ thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên áp dụng lãi suất 6%/năm, VietinBank đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực khác lãi suất l6,8%/năm.
“Ngân hàng Eximbank cũng có sự chuẩn bị khá tốt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhờ đó tăng huy động cao hơn cho vay, thanh khoản khá bền vững. Ngân hàng dự kiến đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi khoảng 6,5%/năm”, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank chia sẻ.
Tổng Giám đốc Vietcombank, Phạm Quang Dũng cho hay: Ngân hàng không thể chủ quan trước tác động từ dịch bệnh nên đã có kế hoạch, rà soát, đánh giá khách hàng, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Cơ cấu lại nợ, cơ cấu thời hạn cho vay, triển khai chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch nCoV.
Thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, dịch bệnh nCoV có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.
“Do đó, các đơn vị trong hệ thống ngân hàng cần chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; các biện pháp gồm: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay…” ông Đào Minh Tú nói.
Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Tuy nhiên cũng có những quy định bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Trước đó, Thống đốc NHNN cũng có Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp phải khó khăn về thị trường do dịch nCoV là việc làm rất quan trọng thời điểm này.
“Các ngân hàng cần có sự thẩm định chuẩn xác đối với những doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch cúm nCoV để có thể đưa giải pháp phù hợp, tránh trường hợp có những đối tượng lợi dụng để được hưởng lợi dù không chịu tác động từ dịch bệnh”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.