Giai đoạn cuối năm thường là khoảng thời gian thị trường hàng hóa không có nhiều biến động. Tâm lý ảm đạm bao phủ khiến giá trị giao dịch giảm hơn 10% trong ngày hôm qua xuống chỉ còn gần 1.600 tỷ đồng.
Giá dầu lại suy yếu
Giá dầu không giữ được đà tăng trong phiên đầu tuần và kết thúc với mức giảm nhẹ. Cụ thể, giá WTI giảm 0,53% xuống 71,29 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1,01% xuống 74,28 USD/thùng.
Bất chấp đà tăng từ khi mở cửa, giá dầu nhanh chóng đảo chiều sau khi thất bại trong việc phá vỡ mức chặn trên. Phe bán và mua đang giằng co giữa một bên là áp lực từ các thông tin mới về tốc độ lây lan của biến thể Omicron của vi-rút COVID-19 và một bên là kỳ vọng thế giới sẽ có khả năng để khống chế dịch bệnh thành công trong năm sau.
Một mặt, ngày càng nhiều quốc gia tuyên bố đã phát hiện biến thể Omicron, mặt khác giới phân tích kỳ vọng thế giới sẽ kiểm soát được đại dịch lần này do đã có sẵn các sự phòng bị từ trước. Đây là lý do chính để trong Báo cáo Thị trường Dầu tháng 12 tối qua, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC điều chỉnh tăng nhu cầu dầu thô thế giới trong quý I thêm 1,1 triệu thùng/ngày.
Mặc dù mang tính tích cực, các dữ liệu trong báo cáo lần này không tạo ra được nhiều phản ứng trên thị trường, do về tổng thể triển vọng cho thị trường dầu thế giới khá tương tự so với những gì OPEC+ đưa ra trong buổi họp đầu tháng.
Các mặt hàng kim loại phân hóa mạnh
Thị trường kim loại vẫn chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa các mặt hàng. Trong khi giá bạc tăng 0,6% lên 22,3 USD/ounce, giá bạch kim giảm hơn 1% còn 924,6 USD/ounce. Hai mặt hàng kim loại quý đang không đi cùng chiều trong thời gian gần đây, bởi xu hướng của giá bạc gần hơn với xu hướng của giá vàng, còn diễn biến của thị trường bạch kim gần với diễn biến của giá các mặt hàng kim loại cơ bản hơn.
Giá bạc được hưởng lợi nhiều hơn trong ngày mà dòng vốn rút ra khỏi thị trường kim loại quý, đồng thời ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những khả năng FED sẽ mạnh tay hơn trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ vẫn là yếu tố sẽ kìm hãm đà tăng không chỉ đối với giá bạc, mà đối với các mặt hàng kim loại khác.
Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giằng co mạnh trong phiên rồi đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó, ở mức 4,28 USD/pound. Trái lại, giá quặng sắt tăng 6,5% khi mà các nhà đầu tư kỳ vọng sự hồi phục của nhu cầu tiêu thụ, trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt. Giai đoạn đầu năm và sau Tết Nguyên đán là thời gian Trung Quốc bước vào "mùa xây dựng", nên nếu sản lượng bị hạn chế quá mức đến hết quý I năm sau để duy trì bầu không khí trong lành cho Thế vận hội mùa đông 2022, giá sắt có thể tăng mạnh do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.
Triển vọng tích cực cho thị trường thép dài nội địa
Trên thị trường thép phế liệu, giá thép phế chào bán tại các thị trường như Mỹ và châu Âu ổn định, trong khi Đông Á có xu hướng giảm, theo dữ liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA). Trong tháng 11, sản xuất thép thô đạt hơn 1,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với tháng trước và 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã sản xuất 21,5 triệu tấn thép thô, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá phôi thép nhập khẩu đầu tháng 12 tiếp tục xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước xuống 648 USD/tấn, so với mức đỉnh tháng 10 là 710 USD/tấn.
Theo VSA, dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình và công trình dân dụng tạm thời bị hoãn lại, đặc biệt là khu vực phía Nam dù được tái khởi động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Giá thép hiện nay cũng điều chỉnh giảm từ 200 - 300 đồng/kg, ở mức bình quân khoảng 15.900 – 16.000 đồng/kg tùy thuộc từng loại thép thành phẩm.
Hiệp hội thép cũng nhận định triển vọng thị trường quý IV đang chậm lại do nhu cầu trong nước thấp. Tuy nhiên, xét trên thị trường tiêu thụ loại thép dài thì nhu cầu có tín hiệu tích cực khi đầu tư công lớn. Xu hướng giá giảm trong thời gian qua do giá phế liệu nhập và nội địa giảm góp phần khiến các nhà thương mại e dè mua hàng vào cuối năm.