Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trong nước bị gián đoạn do nghỉ Lễ, dòng tiền đã được luân chuyển sang thị trường hàng hóa do có sự liên thông trực tiếp với thế giới, giúp cho giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh hơn 30% lên 6.300 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất vẫn là các mặt hàng năng lượng khi giá trị nhóm này tăng rất mạnh lên xấp xỉ 4.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của tháng 04.
Giá dầu thô duy trì đà tăng
Dầu thô đóng cửa trong sắc xanh sau 1 phiên rung lắc mạnh. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,46% lên 105,17 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 0,41% lên 107,58 USD/thùng.
Giá dầu WTI đã có lúc giảm gần 5 USD/thùng trong phiên trước các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc. Số liệu Quản lý thu mua PMI sản xuất của Trung Quốc đạt 41,9, mức thấp nhất trong vòng 2 năm, thể hiện một sự suy giảm trong các hoạt động sản xuất của quốc gia này.
Nguyên nhân được cho là một loạt các biện pháp phong tỏa, hạn chế ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Trường Xuân khiến cho các nhà máy, trung tâm công nghiệp phải ngừng hoạt động, kéo theo các hoạt động kinh tế đi xuống. Đây sẽ là yếu tố kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sụt giảm trong thời gian tới, nhất là khi chính sách “Zero-Covid” vẫn đang được tiếp tục.
Thông tin Liên minh châu Âu EU có thể miễn trừ Hungary, Slovakia khỏi chính sách cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga của cả nhóm cũng gây sức ép lên thị trường, do lo ngại các sửa đổi trong chính sách này có thể khiến cho nguồn cung dầu của Nga không giảm quá nhiều. EU hiện đang nhập khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga.
Dầu thô chỉ phục hồi trong phiên tối nhờ lực bắt đáy, sau khi giá dầu WTI đã tiến sát đến gần ngưỡng 100 USD/thùng. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Reuters, sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 4 chỉ tăng 40.000 thùng/ngày lên 28,58 triệu thùng/ngày, so với hạn ngạch đề ra là 254.000 thùng/ngày.
Các sự cố trong khâu sản xuất tại Nigeria và Libya khiến cho sản lượng dầu của các quốc gia tại Bắc Phi sụt giảm mạnh, nâng tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận của cả nhóm thêm 13% lên 164%, bất chấp việc Saudi Arabia nâng sản lượng dầu thô. Sự suy yếu trong năng lực sản xuất của cả nhóm có thể làm trầm trọng hơn sự bất ổn trong nguồn cung dầu của thế giới, bên cạnh vấn đề từ Nga.
Thị trường kim loại tiếp tục chìm trong sắc đỏ
Cụ thể, giá vàng giảm gần 2% về 1.862,7 USD/ounce, giá bạc giảm 2,2% về 22,6 USD/ounce. Giá bạch kim giảm nhẹ nhất nhóm, với mức đóng cửa thấp hơn 0,7% về 932,8 USD/ounce.
Các mặt hàng kim loại quý đang bị thất thế trước đà tăng của đồng USD, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên 103,7 điểm, và vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 01/2017 đến nay. Các nhà đầu tư hiện đang rất mong đợi những thông tin đến từ cuộc họp tháng 5 của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và đều kỳ vọng vào việc các quan chức sẽ mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phất.
Điều này khiến cho đồng USD lấy lại vị thế và làm suy yếu vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý. Mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng chạm mức 3% trong phiên hôm qua, cho thấy dòng tiền đang rời bỏ các thị trường trú ẩn.
Ngoài ra, cả ba chỉ số S&P500, Nasdaq và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cũng hồi phục trong phiên hôm qua cho thấy dòng tiền chảy vào thị trường kim loại quý cũng đang bị cạnh tranh gắt gao.