Ưu điểm vượt trội của thị trường hàng hóa khi giới đầu tư luôn có thể tìm kiếm cơ hội ngay cả khi giá lên hay xuống tiếp tục được phát huy trong phiên hôm qua, giúp giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10% lên xấp xỉ 5.000 tỉ đồng.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên hôm qua, do triển vọng nguồn cung được cải thiện trong thời gian tới. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm 5,62% xuống 96,23 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 5,22% xuống 101,07 USD/thùng.
Trước đó, dầu thô tăng nhẹ vào phiên sáng nhờ lực mua kỹ thuật, kết hợp với khả năng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến nguồn cung từ Nga, do hiện tượng “tự cấm vận” của các nước.
Tuy vậy, giá nhanh chóng đảo chiều sau khi khi chạm kháng cự ở vùng 104 USD/thùng. Đà giảm cũng ngày càng mạnh, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA công bố cụ thể chi tiết đợt giải phóng dầu thống nhất từ tuần trước.
Cụ thể, các thành viên IEA, kết hợp với Mỹ, sẽ giải phóng tổng cộng 240 triệu thùng dầu ra thị trường. Kết hợp với 61,7 triệu thùng mà nhóm đã thống nhất từ 1 tháng trước, thị trường sẽ được bổ sung gần 1,7 triệu thùng/ngày trong vòng nửa năm. Cộng với nguồn cung sẽ tăng dần hàng tháng từ phía các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+, thị trường sẽ giảm được sức ép từ phía nguồn cung sụt giảm từ Nga.
Giá tiếp tục giảm sau khi báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho dầu thô tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc 01/04, cao hơn so với số liệu của Viện Dầu khí Mỹ rạng sáng cho thấy tồn kho dầu chỉ tăng 1,1 triệu thùng. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang trên đà giảm dần sau khi kết thúc tháng 3, thường là cao điểm tiêu thụ nhiên liệu sưởi và nhiên liệu đi lại trong nửa đầu năm.
Đến cuối phiên, lực mua cũng không quay trở lại, sau khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát hành cho thấy các quan chức Fed phần lớn đang nghiêng về phương án thắt chặt đáng kể nguồn cung tiền, và tăng mạnh lãi suất.
Nhiều nhà phân tích việc Fed muốn cắt giảm bảng cân đối kế toán ở mức 95 tỷ USD/tháng sẽ có tác động đến nền kinh tế hơn so với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Việc rút dần dòng vốn khỏi có thể sẽ khiến cho sức đầu tư, sản xuất, và sức mua yếu hơn và tác động tiêu cực đến thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu. Dollar tăng mạnh sau báo cáo cũng tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.