Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở mức xấp xỉ 4.500 tỉ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch nhóm nông sản dù giảm, nhưng được bù đắp bởi mức tăng của nhóm năng lượng khi mà dầu thô tiếp tục bật tăng mạnh.
Nông sản chìm trong sắc đỏ
Kết thúc tuần giao dịch 10/01 – 16/01, sắc đỏ phủ kín bảng giá các mặt hàng nông sản trên Sở Chicago, trái chiều với diễn biến chung của toàn bộ thị trường hàng hóa. Tác động lớn nhất đến nhóm nông sản trong tuần vừa rồi là báo cao Cung – cầu Nông sản Thế giới tháng 01 và Tồn kho Ngũ cốc Quý được phát hành bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Trong báo cáo lần này, USDA đã tăng tồn kho cuối vụ đậu tương Mỹ 2021/22 đã thêm 10 triệu giạ, và cao hơn 2 triệu giạ so với dự đoán của thị trường. Mức thay đổi này hoàn toàn đến từ mức chốt sản lượng 2021/22 cao hơn 10 triệu giạ so với báo cáo tháng 12. Thông tin trên là nguyên nhân chính khiến đậu tương suy hai phiên liên tiếp sau báo cáo.
Chịu áp lực từ đậu tương, khô đậu và dầu đậu cũng đã giảm mạnh trong tuần trước. Theo Công ty Tư vấn Khí hậu Ứng dụng (CCA), bắt đầu từ tuần này, nhiệt độ sẽ giảm xuống và những cơn mưa sẽ xuất hiện tại một số khu vực của Argentina. Lượng mưa sẽ không đồng đều nhưng có thể xuất hiện tại các khu vực gieo trồng chính. Thông tin trên đã gây áp lực lên giá khô đậu và dầu đậu.
Đối với ngô, USDA vẫn đang khá lạc quan trước triển vọng nguồn cung ở Argentina và Brazil sau đợt hạn hán vừa qua khi các mức sản lượng dự kiến đều cao hơn so với ước tính của thị trường. Kết hợp với việc lượng mưa nhỏ xuất hiện trong cuối tuần trước ở Argentina, giá ngô đã có thời điểm suy yếu về vùng hỗ trợ 585. Tuy nhiên, việc lo ngại về nguồn cung vẫn chưa hoàn toàn được xoa dịu và việc liên tiếp xuất hiện các đơn hàng lớn trong báo cáo Daily Export Sales đã giúp ngô hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.
Trong khi đó, đây đã là tuần giảm mạnh thứ 3 liên tiếp của lúa mì. Trong 2 báo cáo vừa qua, tồn kho ở Mỹ tăng lên, cùng với triển vọng diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông tăng lên là tiếp tục là yếu tố về nguồn cung tạo áp lực lên giá. Ngoài ra, triển vọng mùa vụ vừa thu hoạch ở Argentina và Austrailia cũng được đánh giá tích cực hơn. Ngược lại, vẫn không có thêm thông tin về nhu cầu xuất hiện hỗ trợ cho giá.
Duy nhất cà phê Robusta giảm sâu giữa nhóm công nghiệp
Nhóm nguyên liệu công nghiệp kết thúc tuần với sắc xanh áp đảo trên bảng giá. Giá Arabica nhích nhẹ 0,5% lên 239,7 cents/pound, trong khi giá Robusta giảm mạnh gần 4% về 2.228 USD/tấn và là tuần giảm thứ hai liên tiếp. Số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 của Việt Nam là yếu tố thúc đẩy sức bán trên thị trường Robusta. Những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đã giảm bớt, cùng với việc Việt Nam đang dần hoàn tất vụ thu hoạch và sẽ đảm bảo nguồn cung trên toàn cầu, nên những yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta giờ không còn quá nhiều. Ngoài ra, các quỹ cũng tiến hành cắt giảm bớt các vị thế mua sau thời gian “dư mua” lớn để tránh áp lực thanh khoản. Giá Arabica giằng co mạnh trong tuần nhưng vẫn chưa bứt phá trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu nguồn cung ở Brazil.
Giá bông tăng mạnh gần 4% lên 119,7 cents/pound và rất gần với mức đỉnh 10 năm. Các nhà đầu tư đều đang kỳ vọng vào sự hồi phục trong nhu cầu tiêu thụ của các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, đồng USD cũng đang suy yếu, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu bông của Mỹ. Chỉ số Dollar Index giảm 0,6% còn 95,17 điểm.
Hai mặt hàng đường cũng có một tuần giao dịch thăng hoa, khi mà giá đường 11 tăng 1,4% lên 18,31 cents/pound, còn giá đường trắng đóng cửa cao hơn 3,5% và lấy lại mức 500 USD/tấn. Nguồn cung mía đều đang được cải thiện ở ba nước sản xuất lớn là Ấn Độ, Thái Lan và Brazil, nhưng đà tăng của giá dầu thô đang thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng sản lượng ethanol thay vì đường. Đây chính là yếu tố hỗ trợ cho giá đường trong tuần trước.
Kim loại bứt phá, giá nikel chạm đỉnh hơn 10 năm
Phần lớn các mặt hàng kim loại đóng cửa trong sắc xanh. Hai mặt hàng kim loại quý bật tăng trở lại trong bối cảnh đồng bạc xanh suy yếu. Chỉ số Dollar Index giảm 0,6% còn 95,57 điểm, mức thấp nhất trong vòng ba tháng. Bên cạnh đó, nỗi lo lạm phát cũng gây sức ép lên các thị trường đầu tư rủi ro và giúp cho dòng vốn đổ về các thị trường trú ẩn an toàn.
Giá bạc tăng 2,3% lên 22,9 USD/ounce, giá bạch kim tăng gần 1% lên 965 USD/ounce. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm kim loại quý chịu rất nhiều sức ép từ mức lợi suất rất hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tính tới phiên thứ sáu tuần trước, mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 1,79%, mức cao nhất trong vòng hai năm.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng nhẹ 0,2% lên 4,52 USD/pound. Trong tuần giá giằng co mạnh và đã có úc tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, khi có tin tức nguồn cung đồng bị thắt chặt vì mức tồn kho trên Sở LME và Sở Thượng Hải giảm mạnh. Tuy nhiên, việc nhu cầu tiêu thụ đối với đồng cũng không được cải thiện nhiều, vì dịch bệnh lây lan mạnh mẽ ở Trung Quốc, nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới, nên giá đồng đã chịu sức ép bán chốt lời và giảm mạnh trở lại.
Ngoài ra, các tin tức tiêu cực của thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn liên tục đeo bám tâm lý các nhà đầu tư khiến cho lực bán trong phiên cuối tuần gần như cuốn bay đà tăng của các phiên trước đó. Giá quặng sắt cũng vì những tin tức tiêu cực này mà giảm 0,47% về 126,3 USD/tấn, bất chấp nguồn cung ở Brazil đang bị sụt giảm vì mưa lớn và sạt lở đất làm ảnh hưởng hoạt động của các mỏ.
Trên sở kim loại London – LME, Nikel là mặt hàng dẫn dắt toàn thị trường đi lên, với mức tăng mạnh hơn 7% lên 22.194 USD/tấn. Sau khi tăng kỷ lục 25% trong năm 2021, giá Nikel hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm.
Giá năng lượng bùng nổ
Giá dầu tăng 4 tuần liên tiếp và đã quay trở lại vùng giá trong mùa hè năm ngoái, khi các bất ổn tại các nước sản xuất quay trở lại đe dọa gây ra gián đoạn trong nguồn cung. Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tháng 3 tăng 6,2% lên 83,3 USD/thùng, giá Brent tháng 3 tăng 5,27% lên 86,06 USD/thùng.
Các tổ chức lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đều cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới tiếp tục đà tăng vững mạnh trong tháng trước, bất chấp sự đe dọa của dịch COVID-19. Điều này khiến cho tác động của các thông tin liên quan đến nguồn cung ngày càng lớn. Việc các cảng xuất khẩu dầu của Libya liên tiếp đóng cửa trong khi giới phân tích công suất dự phòng thực tế của các thành viên OPEC+ khác được cho là thấp hơn nhiều so với mức công bố do 2 năm liên tiếp cắt giảm đầu tư tạo ra các biến động lớn trong tuần.