Bất chấp COVID-19, nhập khẩu ô tô về Việt Nam vẫn tăng hơn gấp đôi

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong 7 tháng của năm 2021 tăng đến 111,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh
Mẫu xe C-Class của Mercedes-Benz tại nhà máy ở Vance, Alabama, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 7/2021 về Việt Nam đạt 14.407 xe, với giá trị kim ngạch 290,8 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng của năm 2021, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đạt 95.525 xe các loại với tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng 111,2% về lượng và tăng 107,1% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu xe của cả nước. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 47.493 xe, tăng 134,8%; từ Indonesia là 28.362 xe, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020...

Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 7 tháng của 2021, các đơn vị thành viên tiêu thụ tổng cộng 166.516 xe các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo nguồn gốc, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 94.109 xe, tăng 15% thì xe nhập khẩu là 72.407 xe, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên doanh, con số trên vẫn chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như Mercedes-Benz, Nissan, Audi, Jaguar Land Rover, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.

Chỉ qua số liệu công bố chính thức từ TC Motor - đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công trong 7 tháng năm 2021 có doanh số bán .066 xe các loại. VinFast cũng tiêu thụ 19.720 xe trong khoảng thời gian này.

Chỉ tính doanh số được công bố chính thức từ VAMA, TC Motor và VinFast, trong 7 tháng của năm 2021, 3 đơn vị này có tổng doanh số 224.302 xe các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong cả nước…

Lý giải việc ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong 7 tháng của năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, giới chuyên doanh cho rằng điều này khá bất ngờ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra khá phức tạp khiến sức tiêu thụ của thị trường ô tô giảm mạnh trong những tháng gần đây. Do đó, có thể các doanh nghiệp đã đi tắt đón đầu để đón xu hướng mua xe tăng trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và cũng là để đón đầu cơ hội mùa cao điểm cuối năm.

Đặc biệt, việc nhập khẩu xe trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, nhưng các doanh nghiệp như Audi, Subaru, Volkswagen, Toyota, Suzuki… cho biết, việc nhập khẩu xe vẫn diễn ra bình thường, các lô hàng nhập khẩu không bị ách tắc hay ảnh hưởng gì do dịch COVID-19 và có sẵn xe để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nên nhiều đại lý ở các tỉnh thành phố này đã đóng cửa tạm thời để cùng phòng chống dịch.

Doanh nghiệp vừa sản xuất lắp ráp trong nước vừa nhập khẩu xe về phân phối như Toyota Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay liên doanh này vẫn đảm bảo việc cung cấp xe cho khách hàng, kể cả xe nhập khẩu lẫn xe sản xuất lắp ráp trong nước. Ngoại trừ mẫu xe Corolla Cross nhập khẩu về phân phối từ tháng 8/2020 đến nay luôn trong tình trạng khan hàng vì nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế ở nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đại lý ở các tỉnh thành phố đang giãn cách xã hội đã đóng cửa tạm thời để cùng phòng chống dịch.

Suzuki Việt Nam cũng khẳng định, không có việc các đơn hàng nhập khẩu ô tô về Việt Nam bị ách tắc do dịch COVID-19. Sau vài tháng gián đoạn việc nhập khẩu và phân phối 2 mẫu xe XL7 và Ertiga do tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu, nhưng đến nay việc nhập khẩu xe hay linh kiện về lắp ráp vẫn diễn ra bình thường và xe có hàng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 khiến việc bán hàng chậm nên việc sản xuất lắp ráp xe ở trong nước cũng như nhập khẩu về phân phối phải hoạt động cầm chừng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Giới chuyên doanh cũng nhận định, bên cạnh tác động của đại dịch COVID và việc giãn cách xã hội đang thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tháng 8 Dương lịch trùng với tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng “Ngâu” nên sức tiêu thụ của thị trường ô tô trong tháng này tiếp tục bị ảnh hưởng. Thị trường ô tô Việt Nam có thể sẽ sôi động trở lại sau tháng “Ngâu” cùng với tình dịch bệnh COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã được kiểm soát khi lượng vaccine tiêm chủng được phủ rộng hơn.

Văn Xuyên (TTXVN)
Siết quản lý ô tô nhập khẩu, xử lý nghiêm hàng hóa có ảnh, thông tin 'đường lưỡi bò'
Siết quản lý ô tô nhập khẩu, xử lý nghiêm hàng hóa có ảnh, thông tin 'đường lưỡi bò'

Để cảnh báo các doanh nghiệp và người tiêu dùng tẩy chay và lên án không sử dụng các sản phẩm hàng hóa có gắn “Đường chín đoạn" ("Đường lưỡi bò"), Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, báo cáo tình hình nhập khẩu ô tô và việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm bản đồ trên ô tô về Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN