'Bến đỗ' tiếp theo của vàng

Giữa lúc giới đầu tư đang hân hoan tận hưởng những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán, vàng - nơi trú ẩn yêu thích của họ - cũng đang đạt những đỉnh cao mới.

Chú thích ảnh
Vàng được dự trữ tại ngân hàng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần trước, giá vàng đã đạt mức lịch sử 2.328,7 USD/ounce. Nhà kinh tế học nổi tiếng David Rosenberg, Chủ tịch hãng nghiên cứu Rosenberg Research, dự đoán giá kim loại quý có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce vào thời điểm các ngân hàng trung ương tiến hành giảm lãi suất.

Trong khi đó, ở một kịch bản có phần khiêm tốn hơn, Giám đốc đầu tư Juerg Kiener của công ty dịch vụ đầu tư Swiss Asia Capital đã chia sẻ với CNBC rằng giá vàng có thể đạt mốc 2.600 USD/ounce trong vòng một năm tới.

“Bàn đạp” của vàng

Theo ông Rosenberg, đợt tăng giá mới nhất của vàng là đặc biệt ấn tượng, bởi vì không chỉ vượt qua Bitcoin và mọi loại tiền tệ chính, vàng còn tỏ ra “miễn nhiễm” với những “cơn gió vĩ mô” từng làm kim loại quý này chao đảo.

“Giá vàng tăng vào thời điểm đồng USD mạnh lên, kỳ vọng lạm phát giảm. Trong thời gian đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu sẽ giữ lãi suất ‘cao hơn trong thời gian dài hơn’.

Tất cả những diễn biến này thường sẽ làm tổn hại đến giá vàng. Tuy nhiên, điều bất ngờ là giá lại liên tục tăng. Vậy, đâu là yếu tố giúp thị trường vàng liên tục chinh phục những đỉnh cao mới?

Nhà kinh tế học Rosenberg và các đồng nghiệp cho biết động lực chính của thị trường vàng không nằm ở phía cung - vốn đã ổn định trong những năm gần đây - mà là ở phía cầu, nhờ việc các ngân hàng trung ương xem vàng như một tài sản dự trữ.

Bên cạnh đó, với việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất đi vị thế đồng tiền dự trữ lớn thứ hai trên thế giới và trong bối cảnh các quốc gia như Nhật Bản, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD, nhiều người đã chuyển hướng sang đầu tư vàng để đảm bảo an toàn trước những rủi ro kinh tế.

Chuyên gia của Rosenberg Research nói: “Sau khi thoái vốn khỏi thị trường vàng vào đầu thế kỷ này, các ngân hàng trung ương một lần nữa lại tăng cường nắm giữ vàng ở quy mô lớn”. Trong quý III/2023, các ngân hàng đã mua vào tổng cộng 361 tấn vàng, tăng từ mức 77 tấn của cùng kỳ năm 2022.

Người ta cũng nhận thấy vàng đang “tỏa sáng” nhiều hơn ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi các nhà đầu tư phương Tây đã tụt lại phía sau do lãi suất cao và giá cổ phiếu bùng nổ, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Rủi ro địa chính trị toàn cầu và triển vọng kinh tế vĩ mô khó lường cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá. Việc các trục quan hệ quốc tế diễn biến theo hướng quân sự hóa và phân cực lớn hơn, với các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông vẫn tiếp diễn với nguy cơ leo thang sang các quốc gia khác, khiến các tính năng phòng ngừa rủi ro vàng đã trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, sự tăng giá của vàng thường xảy ra khi lạm phát có xu hướng tăng lên, làm giảm giá trị đồng tiền. Các chuyên gia cho rằng những yếu tố như tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã đạt mức 120%, đi kèm với chi phí dịch vụ leo thang, đã khiến các nhà đầu tư đang tăng cường nắm giữ vàng, trong bối cảnh sự không chắc chắn về kết quả bầu cử và khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.

Ngưỡng nào cho vàng 3.000 USD/ounce hay 2.600 USD/ounce?

Nếu đà tăng trưởng ổn định được duy trì, chuyên gia Rosenberg dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng thêm 15%, thậm chí có thể tăng 30% vào thời điểm các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất. Chi phí đi vay thấp hơn có xu hướng làm tăng sức hấp dẫn của vàng khi các nhà đầu tư chuyển dần khỏi các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu.

Có hai kịch bản được đưa ra và cả hai đều kết luận rằng vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Trong kịch bản đầu tiên, kinh tế toàn cầu được cho là sẽ “hạ cánh mềm”. Giả sử lãi suất thực tế toàn cầu quay trở lại mức trung bình giai đoạn trước năm 2000, đồng USD sẽ giảm khoảng 12% và giá vàng sẽ tăng khoảng 10%.

Tuy nhiên, nếu có một cuộc suy thoái ảnh hưởng đến nền kinh tế - với lãi suất thực tế toàn cầu quay trở lại mức trung bình của giai đoạn 2014 - 2024, thị trường chứng khoán ổn định và đồng USD mất giá khoảng 8% - thì khả năng tăng giá của vàng là khoảng 15%, đưa giá kim loại quý vào phạm vi 2.500 USD/ounce.

Ông nói: “Việc tích hợp những yếu tố này vào các mô hình dự báo cho chúng tôi biết rằng rủi ro giảm giá vàng là hạn chế. Vàng còn rất nhiều dư địa để tăng giá. Khả năng giá vàng đạt 3.000 USD/ounce cao hơn khả năng về lại mức 1.500 USD/ounce”.

Trong khi đó, Giám đốc đầu tư Juerg Kiener tại công ty dịch vụ đầu tư Swiss Asia Capital đã chia sẻ với CNBC rằng giá vàng có thể đạt mốc 2.600 USD/ounce trong vòng một năm tới.

Tương tự như nhà kinh tế học Rosenberg, chuyên gia Kiener cũng cho rằng các yếu tố địa chính trị, hoạt động in tiền của chính phủ và nhu cầu kim loại quý tăng nhanh ở châu Á sẽ thúc đẩy giá vàng.

Giám đốc Juerg Kiener cho rằng các phân tích về đường cong kỳ hạn của ông đối với vàng “trông thật tuyệt vời”. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào đường cong dự tính trong một năm tới thì giá vàng sẽ vào khoảng 2.600 USD/ounce”.

Ông nói: “Phương Tây đang có xu hướng rời khỏi vàng”, song song với một “sự thay đổi thực sự” đối với nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á và các nước trong khối BRICS nói chung. Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của các nhà đầu tư và hộ gia đình Trung Quốc đã tăng cao vào năm 2023, khi thị trường bất động sản của nước này vẫn hỗn loạn và thị trường chứng khoán sụt giảm.

Phương Nga/TTXVN (tổng hợp)
Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng
Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng

Xu hướng tăng ổn định của giá dầu đã làm dấy lên suy đoán rằng giá “vàng đen” có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng nếu điều kiện thị trường hiện tại tiếp diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN