Không chỉ rớt giá mạnh, người nông dân trên địa bàn còn phải đối mặt với nỗi lo mất mùa vì thời tiết không thuận lợi, mùa mưa đến quá sớm so với mọi năm.
Đã vào chính vụ nhưng anh Nguyễn Phi Hạnh ở ấp 7, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú chỉ thuê thêm hai nhân công phụ thu hoạch bí. Trong vườn ngổn ngang những trái bí không đạt năng suất, hư thối khiến anh Hạnh không khỏi lo lắng. Từ đầu mùa đến nay, anh thu hoạch liên tục nhưng mới chỉ được hơn 20 tấn bí. Với tình trạng này, dự kiến cả vụ bí bán ra chỉ đủ trả tiền thuê nhân công.
Năm nay, anh Hạnh đầu tư trồng 10 ha bí đỏ, như mọi năm, ước tính ít nhất cũng phải thu được trên 100 tấn bí. Nhưng trái với dự định, sản lượng vườn bí giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30 tấn. Việc thu hoạch cũng chỉ mang tính cầm chừng, được trái nào hay trái nấy.
Lau vội giọt mồ hôi trên trán, anh Hạnh ngậm ngùi: "Đầu tư mấy trăm triệu mà thực tế chỉ thu được 1/3 thôi. Gia đình dự định trồng trái mùa. Trồng mùa nắng nên tiền ống tưới rất nặng, hơn nữa còn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm cỏ, tiền giống…, tính sơ sơ cũng khoảng 200 triệu đồng, riêng tiền ống nước đã hết đến 120 triệu đồng".
"Bí đỏ mất mùa ở thời điểm này nằm ngoài dự tính của người nông dân bởi năm nay thời tiết diễn biến thất thường, mùa mưa đến quá sớm (từ giữa tháng 3), ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng. Hoa bí không thể thụ phấn và thậm chí thối trái khi đã đậu quả.
Đúng ra cuối tháng 4, đầu tháng 5 mới vào mùa mưa nhưng năm nay mưa sớm khiến nông dân trở tay không kịp" - ông Nguyễn Đức Niệm, ấp 5, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú cho biết.
Thời điểm cây bí ra hoa phải có nắng đều thì hoa mới thụ phấn được. Hơn nữa, mưa nhiều cũng gây thối hoa, bí không thể kết quả, chưa kể sâu bọ phát sinh khi mưa đến.
Anh Nguyễn Tấn Nam, một nông dân vừa mới thu hoạch xong vụ bí chia sẻ, không chỉ mất mùa, người trồng bí còn phải gánh chịu thêm sức ép về giá cả. Thay vì 7.000 - 8.000 đồng/kg ở thời điểm này năm trước, giá bí nay chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, có lúc còn bị ép xuống chỉ vào khoảng 2.000 đồng/kg.
Thương lái không mặn mà với chuyện thu mua khiến người dân bí đầu ra. Bất đắc dĩ, anh Nam phải để bán dần, thậm chí phải mang ra các chợ truyền thống để bán lẻ.
Thời tiết bất lợi, thị trường bị chi phối, đầu ra không ổn định, người nông dân sản xuất gần như chỉ có thể trông chờ vào vận may. “Bây giờ cũng không biết lấy đâu ra nguồn vốn để tiếp tục đầu tư. Nếu muốn chắc phải mang sổ đỏ đi vay ngân hàng nhưng giờ oải rồi”, anh Hạnh chán nản tâm sự.