Điều được giới phân tích năng lượng quan tâm vào lúc này là liệu kịch bản thị trường dầu mỏ năm 2020 có lặp lại trong năm 2021 hay không?
Giai đoạn đầu năm 2020, giá dầu Brent từng chạm ngưỡng 70 USD/thùng sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dịu bớt, đồng thời tác động của tranh chấp thương mại đối với giá dầu mỏ bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm thay đổi bức tranh đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu tiêu thụ và sức ép nguồn cung khiến giá dầu Brent chỉ còn dao động trung bình 40 USD/thùng trong phần còn lại của năm.
Đối với dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ, giá dầu này thậm chí đã giảm sâu xuống mức âm trong tháng 4/2020, đồng thời giá dầu Brent cũng giảm xuống dưới 20 USD/thùng, do tác động “kép” của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến về giá nhằm giành giật thị phần giữa các “đại gia” dầu mỏ Saudi Arabia và Nga. Mặc dù sự sụt giảm ngắn ngủi của giá dầu Mỹ, từng xuống dưới mức âm 40 USD/thùng, khó có khả năng lặp lại vào năm 2021, song việc chính phủ các nước triển khai các biện pháp phong tỏa và triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 theo từng giai đoạn vẫn sẽ làm hạn chế nhu cầu trong năm tới, hoặc thậm chí trong thời gian dài hơn.
Mặt khác, việc giá dầu WTI lần đầu tiên rớt xuống ngưỡng âm đã đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của một tiêu chuẩn dầu mỏ quốc tế mới, đồng thời là một “hồi chuông” cảnh tỉnh đối với ngành công nghiệp luôn sống chung cùng những “đồn đoán”. “Tháng Tư đen tối” phơi bày mặt trái của thị trường dầu mỏ, nơi giá dầu giao ngay vẫn thấp hơn nhiều so với giá dầu tương lai, khiến một số công ty tham gia thị trường tích trữ ồ ạt dầu thô ở trong và ngoài nước.
Liệu động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thực sự đủ để bù đắp cho nhu cầu sụt giảm ước tính lên tới 20 triệu thùng/ngày trong giai đoạn dịch COVID-19 lên tới đỉnh điểm và tác động nghiêm trọng đến hoạt động giao thông vận tải hay không? Dù OPEC+ đã thành công nhất định với thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục, nhằm nỗ lực đem lại sự cân bằng trên thị trường “vàng đen”, song kết quả đó chỉ có thể đạt được trong trung hạn chứ không phải trong ngắn hạn. Các mục tiêu chính của OPEC+ vẫn được giữ nguyên, như đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu thông qua cân bằng thị trường, duy trì sự bền vững của giá dầu và nguồn cung.
Theo kế hoạch, chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC+ kéo dài cho đến tháng 4/2022, bắt đầu với mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020, sau đó giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 6 triệu thùng/ngày trong 16 tháng còn lại. Tuy nhiên, con số cắt giảm đã được điều chỉnh ở mức 7,2 triệu thùng/ngày cho quý đầu tiên năm 2021, trước những diễn biến mới của thị trường năng lượng, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới có thể tiếp tục giảm hậu đại dịch COVID-19 khi các nước tìm cách hạn chế lượng khí thải nhằm làm chậm sự biến đổi khí hậu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng thế giới đã giảm từ mức 100,61 triệu thùng trong năm 2019 xuống 94,25 triệu thùng trong năm 2020 và sản lượng dự kiến chỉ phục hồi lên 97,42 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Đối với giá dầu thô, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo trung bình 43 USD/thùng trong quý IV/2020. Dự báo giá dầu thô cao hơn trong năm tới phản ánh kỳ vọng của EIA rằng lượng dầu tồn kho sẽ vẫn ở mức cao và sẽ giảm khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng và sản lượng dầu hạn chế của OPEC+.
Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 có thể không diễn ra nhanh như mong đợi.
Động lực chính tiếp theo cho giá dầu sẽ đến vào ngày 4/1/2021, khi OPEC+ nhóm họp để thảo luận về kế hoạch tăng sản lượng dầu thô từ tháng 2/2021. Tin tức về việc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Trung Quốc và Mỹ đã gây sức ép đến các hợp đồng dầu tương lai vào ngày 31/12, và kéo theo dự báo triển vọng nhu cầu nhiên liệu vẫn u ám trong năm 2021.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, giá dầu Brent mất 49 xu Mỹ (tương đương 1%) xuống 51,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tiến 12 xu (tương đương 0,25%) lên 48,52 USD/thùng. Tính chung cả năm 2020, giá dầu Brent đã giảm 22,5%, còn dầu WTI lao dốc 21,4%. Tuy nhiên, cả hai loại dầu này đều đã tăng hơn gấp đôi so với mức thấp nhất trong 1 thập kỷ ghi nhận vào hồi tháng 4/2020.
Một khi thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19, nền tảng cơ bản của thị trường dầu mỏ có thể sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, thế giới không nên lãng quên những hỗn loạn của thị trường “vàng đen” suốt năm qua và sự cần thiết xây dựng một tiêu chuẩn dầu mỏ minh bạch hơn. Điều duy nhất có thể hỗ trợ một thị trường cân bằng trong tương lai là nhu cầu dần phục hồi. Cho đến thời điểm đó, những hình thái và sự vận động của thị trường dầu mỏ vẫn sẽ tồn tại những diễn biến đầy bất ngờ.