Thị trường năng lượng tiếp tục chìm trong sắc đỏ, trong đó giá hai mặt hàng dầu suy yếu phiên thứ 3 liên tiếp. Hầu hết mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp giá đi xuống, ngoại trừ hai mặt hàng cà phê. Khoảng cách giữa Robusta và Arabica ngày càng thu hẹp do các đợt hồi phục và tăng giá liên tiếp trước của cà phê Robusta.
Giá cà phê Robusta tăng thêm 200 USD/tấn
Khép lại phiên giao dịch ngày 4/9, trong khi toàn bộ các mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm giá thì hai mặt hàng cà phê lại diễn biến ngược lại. Giá cà phê Robusta tăng vọt 4,3% (200 USD/tấn), tiến sát mốc quan trọng 5.000 USD/tấn, trong khi giá cà phê Arabica nhích nhẹ 0,4% so với tham chiếu. Tình hình thời tiết tại Brazil tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường khi các vùng trồng cà phê chính của nước này đang phải đối mặt với thời tiết khô hạn nặng nề nhất kể từ năm 1981.
Khu vực Đông Nam Brazil - vùng sản xuất cà phê lớn nhất cả nước đang trải qua đợt khô hạn kỷ lục kéo dài hơn ba tháng. Điều này làm giảm hiệu suất của quá trình ra hoa và đậu quả non của cây cà phê thu hoạch năm 2025. Một số nhà vườn cho biết nhiều diện tích trồng cà phê đã không chịu nổi tình trạng thiếu mưa trong nhiều tháng và có thể bị mất trắng. Hoạt động sản xuất ổn định chỉ có thể quay lại vào năm 2025.
Hơn thế, dự báo thời tiết cho thấy tình trạng thiếu mưa tại các vườn cà phê tại Đông Nam còn có thể kéo dài sang tháng 9. Điều này càng dấy lên lo ngại tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 2025-2026, đặc biệt khi đây còn là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa 1 lần tại Brazil.
Hiện tại, chưa có thống kê cụ thể nào về những tổn thất do khô hạn gây ra tại các vườn cà phê nhưng giới phân tích dự kiến sản lượng có thể giảm 20%.
Giá cà phê Robusta tăng tốt hơn trong phiên hôm qua do lo ngại về triển vọng nguồn cung không chỉ xảy ra tại Brazil mà còn tại Việt Nam, quốc gia sản xuất dòng cà phê này lớn nhất thế giới. Tình trạng khô nóng đỉnh điểm cũng diễn ra tại vựa cà phê Tây Nguyên của nước này trong hơn 2 tháng đầu năm, sản lượng dự kiến giảm 15-20% so với vụ trước. Hơn thế, hiện tại nguồn cung trong nước đã cạn kiệt càng khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, tạo đà hỗ trợ giá tăng.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (5/9), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 118.200 - 119.300 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với hôm qua.
Giá dầu xuống mức thấp nhất trong năm 2024
Theo ghi nhận của MXV, đóng cửa giao dịch hôm qua, cả hai mặt hàng dầu thô WTI và dầu thô Brent ghi nhận đà suy yếu phiên thứ 3 liên tiếp, giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, dưới áp lực đến từ yếu tố vĩ mô bên cạnh bài toán nhu cầu. Kết phiên, giá dầu thô Brent giảm 1,42%, xuống 72,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 1,62%, xuống 69,2 USD.
Trước hết, thị trường tỏ ra thận trọng đối với chính sách sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ khi kế hoạch bơm dần nguồn cung trở lại của nhóm trong tháng 10 vẫn là dấu hỏi. Khả năng cho kịch bản trên đang giảm dần khi các vấn đề tại Libya dần được gỡ bỏ và nguồn cung của nhóm dự kiến sẽ ổn định trở lại.
Các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Điều này có thể khiến hoạt động sản xuất khoảng 700.000 thùng/ngày của quốc gia thành viên OPEC+ được khôi phục, gia tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường.
Đối với yếu tố vĩ mô, theo kết quả cuộc khảo sát cơ hội việc làm và doanh thu lao động (JOLTS) của Bộ Lao động Mỹ, số cơ hội việc làm mới đã giảm xuống còn 7,67 triệu việc vào ngày cuối cùng của tháng 7. Con số này thấp hơn so với dự báo ở mức 8,09 triệu việc và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Khảo sát cũng cho thấy số lượng người bị sa thải tăng lên 1,76 triệu trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 3/2023.
Dữ liệu phản ánh sự suy yếu của thị trường lao động Mỹ đang đến từ cả hai phía là tỷ lệ sa thải cao và nhu cầu tuyển dụng thấp, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang xấu đi và cho thấy những sức ép mà nền kinh tế số 1 thế giới đang phải đối mặt. Dữ liệu mờ nhạt từ Mỹ và Trung Quốc qua đó cũng đã củng cố đà suy giảm trên thị trường thế giới.
Những áp lực liên tiếp trên thị trường trong thời gian vừa qua cũng được Citi Bank cảnh báo. Ngân hàng đã hạ dự báo giá dầu trung bình thế giới xuống mức 60 USD/thùng trong năm sau do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng từ các nước ngoài OPEC.
Ngược lại, đà giảm trên thị trường phần nào được hạn chế sau báo cáo tồn kho từ viện dầu khí Mỹ (API). Cụ thể, dữ liệu từ API cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh 7,4 triệu thùng, cao hơn so với con số dự báo chỉ giảm 0,9 triệu thùng của giới phân tích.