Phiên này, Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 823,32 điểm (tương đương 2,7%) lên 31.500, điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 116,01 điểm (3,1%) và kết thúc ở mức 3.911,74 điểm, đánh dấu mức tăng phần trăm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 18/5/2020. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 375,43 điểm (3,3%) lên 11.607,62 điểm.
Một yếu tố được thị trường chú ý tới trong phiên này là các số liệu kinh tế trái chiều của Mỹ.
Báo cáo mới nhất cho thấy doanh số bán nhà mới đã tăng trở lại vào tháng 5/2022 sau khi sụt giảm trong tháng trước đó.
Trong khi đó, kết quả điều chỉnh cuối cùng của Đại học Michigan về tâm lý người tiêu dùng Mỹ cho thấy kỳ vọng lạm phát trong 5 - 10 năm tới đã được điều chỉnh thấp hơn, từ mức 3,3% trong báo cáo trước đó xuống 3,1%.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp về châu Mỹ tại công ty môi giới đầu tư OANDA cho biết những hy vọng rằng lạm phát đã đạt đỉnh và nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng vững chắc đã khiến một số nhà đầu tư tự tin mua vào các cổ phiếu mất giá mạnh.
Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã tăng ba trên bốn phiên giao dịch của tuần này.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên đầu tuần 20/6, chứng khoán Mỹ tăng điểm vào phiên 21/6 khi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại sau đợt bán tháo tuần trước. Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,2%, S&P 500 tiến 2,5% và Nasdaq Composite ghi thêm 2,5%.
Giới phân tích nhận định nhu cầu với các tài sản rủi ro đã phục hồi trong hiện tại, có lẽ vì các thị trường cần giai đoạn nghỉ ngơi trong tuần này sau biến động trước đó vì quyết định điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý đây có thể chỉ là tạm thời khi các nhà giao dịch suy đoán rằng xu hướng tăng lãi suất sẽ đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ phiên 22/6 đã để mất đà tăng trước đó sau cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng ngân hàng này sẽ đưa lạm phát đi xuống. Trên phố Wall, Dow Jones giảm 0,15%, S&P 500 mất 0,13% còn Nasdaq Composite giảm 0,15%.
Phiên 23/6, chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao hơn khi các nhà đầu tư đánh giá nguy cơ suy thoái gia tăng sẽ tác động đến triển vọng giá dầu và chính sách tiền tệ như thế nào. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, S&P 500 tăng 1% còn Nasdaq ghi thêm 1,6%.
Với mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần 24/6, chỉ số Dow Jones ghi nhận mức tăng 5,4%, còn S&P 500 tăng 6,5% và Nasdaq tăng 7,5%. Như vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều có mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng Năm, trong khi Nasdaq có tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng Ba.
Ông Dave Grecsek, Giám đốc chiến lược đầu tư và nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản Aspiriant cho biết thị trường hiện dường như tin rằng các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại gần đây là lý do để Fed “nhẹ tay” hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Theo chuyên gia này, nền kinh tế Mỹ thực sự có thể tránh được một cuộc suy thoái, nếu Fed bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để giảm lạm phát khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Dựa trên đánh giá của các quỹ giao dịch hợp đồng tương lai, các nhà đầu tư hiện thấy mức “đỉnh” cho lộ trình lãi suất chuẩn của Fed thấp hơn. Theo theo công cụ theo dõi biến động chính sách FedWatch của nền tảng giao dịch CME, giới đầu tư kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh trong khoảng 3,25% - 3,50% vào tháng 12/2022, giảm từ mức 3,50% - 3,75% một tuần trước.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư hiện nhận định Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khoảng một năm kể từ thời điểm hiện tại.
Với việc chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua, các nhà đầu tư đang nghiên cứu một loạt các chỉ số để xác định xem liệu những tháng tới có xuất hiện các yếu tố hỗ trợ cho thị trường hay không.
Không thể phủ nhận rằng nửa đầu năm 2022 là một giai đoạn đầy thách thức đối với các nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 18% tính đến thời điểm hiện tại, mức giảm nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970 tới nay. Khi đó, Fed cũng thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát chạm cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Một yếu tố có thể duy trì đà tăng hiện thời của Phố Wall trong ngắn hạn là đợt tái cân bằng vào cuối quý, khi các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí và quỹ tài sản quốc gia thu hút khoản tiền mặt kỷ lục để phân bổ cổ phiếu trở lại đúng với mục tiêu của họ.
Nhà phân tích Marko Kolanovic của ngân hàng JP Morgan cho biết hiện tượng đó có thể nâng đỡ thị trường tăng tới 7% trong tuần tới.
Còn ông Jack Janasiewicz, nhà chiến lược danh mục đầu tư của công ty quản lý đầu tư Natixis Investment Managers Solutions tin rằng thị trường nửa cuối năm có thể sẽ tốt hơn. Ông bày tỏ ngày càng lạc quan hơn về cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu suy yếu của nhóm các công ty công nghệ lớn vẫn có cân đối thu chi tốt. Một trong số đó là Alphabet, công ty mẹ của Google.