Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 1,2% lên 32.490,52 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,9% xuống 3.169,52 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng để mất 0,1% và đóng phiên ở mức 18.928,02 điểm.
Trong khi đó, các thị trường Sydney, Mumbai, Singapore, Manila và Jakarta vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ.
Tâm lý trên thị trường trong thời gian gần đây nhìn chung tích cực. Số liệu tuần trước cho thấy lạm phát tại Mỹ đã giảm tốc nhanh hơn dự đoán. Bên cạnh đó, các số liệu khả quan khác chỉ ra rằng kinh tế Mỹ có thể tránh được nguy cơ suy thoái.
Số liệu mới đây còn cho thấy lạm phát tính theo năm tại Anh đã giảm từ mức 8,7% trong tháng Năm xuống 7,9% trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Các số liệu nói trên đã làm dấy lên hy vọng rằng chu kỳ nâng lãi suất trong thời gian qua đã phát huy tác dụng, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể khép lại chu kỳ này.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những lo ngại về kinh tế Trung Quốc, khi sức phục hồi sau đại dịch COVID-19 của nước này có dấu hiệu chững lại, cùng với đó là nguy cơ giảm phát.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc tuần này cho biết kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng 7,1% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin AFP.
Thông tin mới nhất về GDP gây thêm áp lực cho giới chức Trung Quốc trong việc đưa ra thêm các biện pháp kích thích.
Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 0,17 điểm, hay 0,01% xuống 1.172,81 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,6 điểm, hay 0,69%, lên 233,07 điểm.