Các quầy hàng mã tại chợ Láng Hạ (quận Đống Đa). Ảnh: Phương Anh/TTXVN |
Chợ không chỉ là nơi kinh doanh đem đến cuộc sống cho hàng chục nghìn hộ dân mà còn là nét đẹp văn hóa, thu hút du lịch đặc trưng của địa phương, kích cầu tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư cải tạo lại các dự án chợ truyền thống nhưng đến nay dự án này vẫn "dậm chân tại chỗ". Vậy lời giải nào cho mô hình chợ truyền thống phát triển và hoạt động có hiệu quả?
Nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc nhưng chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) lại đang trong tình trạng "chết dần chết mòn" mấy năm nay. Bước vào trong, không ai còn nhận ra khu chợ hạng 1 của thành phố, một thời đông đúc, kinh doanh buôn bán sầm uất. Bây giờ, hàng loạt các ki-ốt phủ bạt, đóng kín, để trơ những thanh giá treo hàng hóa bị han rỉ, xuống cấp. Do vắng người kinh doanh nên chợ trở lên ẩm thấp, tối tăm, vắng vẻ và đìu hiu như "chợ chiều" vậy.
Hiện trong chợ chỉ còn lác đác một vài ki-ốt của những tiểu thương đã nhiều tuổi, chẳng biết đi đâu, làm gì khác còn bám trụ lại. Bác Mai Thị Thu Trà, chủ ki-ốt bán vải tại chợ cười buồn: "Tôi bán hàng ở chợ từ hồi chợ mới lập, khoảng năm 1987 tới nay. Tình hình kinh doanh ngày càng đi xuống, người ta bỏ chợ gần hết, từ hơn 180 quầy hàng nay chỉ còn chưa đầy 70 quầy".
Phó Chủ tịch quận Đống Đa, Trịnh Hữu Tuấn cho biết, năm 2009, thành phố đã có dự án xây dựng Trung tâm thương mại – Chợ Ngã Tư Sở nhưng do dự án ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, bị hạn chế chiều cao công trình… nên tháng 8/2014, dự án này lại bị thu hồi. Hiện tại, hệ thống hạ tầng chợ đã xuống cấp, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng, phương án quy mô xây dựng chợ.
Cảnh lộn xộn trong việc bán và sơ chế hải sản tại chợ Láng Hạ (quận Đống Đa). Ảnh: Phương Anh/TTXVN |
Chợ Ngã Tư Sở chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng “mỏi mòn" chờ được đầu tư nâng cấp. Bởi các dự án đầu tư chợ hiện chưa thực sự tạo được sự đồng thuận giữa bà con tiểu thương với chủ đầu tư. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp nhận đấu thầu, khai thác, quản lý chợ nhưng gần như chỉ để "giữ đất" chứ chưa làm tốt trách nhiệm của mình.
Năm 2012, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã giao quyền quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Nhật Tân cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Đương, thời hạn 50 năm. Đến tháng 12/2014, chợ Nhật Tân bị cháy, cơ sở hạ tầng hư hỏng nặng. UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu phía công ty khắc phục hiện trạng, sửa chữa và thay thế mái khu cầu chợ chính để bảo đảm an toàn, ổn định cho các hộ kinh doanh.
Nhưng đến nay, hiện trạng chợ vẫn chưa được khắc phục, chưa quyết định phương án đầu tư xây dựng mới. Trong chợ chỉ có một vài hàng quán kinh doanh, buôn bán trong tình trạng mái chợ có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Ông Phạm Đình Đoàn, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội đánh giá, doanh nghiệp khi đầu tư sẽ luôn tính đến hiệu quả và lợi nhuận. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp thờ ơ, thậm chí còn đòi trả lại dự án cho thành phố nếu cảm thấy các dự án chợ không đủ hấp dẫn.
Cụ thể như năm 2012, thành phố đã quyết định cho Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest thuê 1.655m2 đất để sử dụng cùng với công trình đã được xây dựng tại số 23 phố Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa (chợ Kim Liên) để quản lý kinh doanh khai thác chợ. Trong quá trình triển khai, công ty đã không có được sự đồng thuận của các hộ kinh doanh trong chợ, gặp khó khăn trong lên phương án khai thác kinh doanh chợ. Do đó, ngày 21/1/2017, doanh nghiệp đã có văn bản gửi UBND quận Đống Đa, xin trả lại việc quản lý chợ Kim Liên cho chính quyền.
Thực tế trong những năm qua, Hà Nội đã thử nghiệm chuyển đổi mô hình chợ và nguồn vốn xã hội hóa nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn như: Dự án thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo mô hình chợ - trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Gia Thụy…
Những mô hình kiểu này đã làm mất đi chợ truyền thống, gây lãng phí đầu tư và bức xúc trong dân. Từ bài học của những ngôi chợ này, nhiều dự án cải tạo, xây dựng mới chợ truyền thống theo hướng kết hợp mô hình sau này đều gặp phải sự phản đối, khiếu kiện của người dân nên phải tạm dừng như chợ Ngã Tư Sở, chợ Châu Long...
Nhiều chợ sau khi doanh nghiệp đầu tư cải tạo, tổ chức khai thác, tăng các loại phí cũng bị tiểu thương trong chợ phản ứng mạnh, gây khiếu kiện kéo dài như chợ Bưởi, chợ Tam Đa…
Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ bố trí ngân sách cho các dự án thuộc lĩnh vực thương mại là chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Như vậy, các chợ trên địa bàn Thủ đô không nằm trong đối tượng nêu trên.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Tổng diện tích đất chợ trên địa bàn vào khoảng 1.700.000m2 với khoảng 90 nghìn hộ kinh doanh. Hầu hết các chợ đều tồn tại từ lâu, nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị…
Nhiều chợ vắng cả người bán lẫn khách mua, chỉ hoạt động 30-40% công suất, gây lãng phí lớn. Thực trạng này đòi hỏi sự quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp và quản lý chợ đáp ứng các tiêu chí. Nhưng nguồn vốn nào để đầu tư lại là câu hỏi lớn chưa có hồi đáp.
Vậy khó lại càng thêm khó, các chợ truyền thống của Hà Nội vẫn phải mòn mỏi đời chờ kinh phí để nâng cấp chợ, hay một mô hình quản lý mới hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng để bà con tiểu thương yên tâm đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng chợ.
Hiện nay, việc thu hút đầu tư xã hội hóa vào các dự án chợ chưa thu hút được doanh nghiệp. Dẫn đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội còn chậm, có quận huyện không thực hiện được, xin giãn tiến độ, nhất là đối với các chợ ở nông thôn. Theo kế hoạch từ năm 2011, thành phố sẽ có 88 chợ thực hiện chuyển đổi nhưng đến nay mới chuyển đổi được vỏn vẹn 10 chợ.
(Bài 2: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm)