Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã giảm 12 xu Mỹ xuống 64,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) khép lại phiên 20/9 với mức giảm 4 xu, xuống 58,09 USD/thùng.
Trong phiên 20/9, giá dầu cùng giảm với thị trường chứng khoán và thị trường nông sản, sau khi các quan chức ngành nông nghiệp Trung Quốc đã hủy chuyến thăm các trang trại của Mỹ tại bang Montana và Nebraska vào tuần tới để trở về Trung Quốc sớm hơn dự kiến ban đầu. Việc hủy bỏ diễn ra khi các cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng đang được tổ chức tại Washington trong hai ngày 19-20/9.
Tuy nhiên, tính chung trên cả tuần, giá dầu Brent vẫn ghi nhận mức tăng theo tuần cao nhất kể từ tháng 1/2019 là 6,7%. Trong khi đó, giá dầu WTI trong cùng giai đoạn tăng 5,9%, mức cao nhất kể từ tháng Sáu tới nay.
Sau một tuần u ám với nỗi lo về dư cung, thị trường dầu thế giới đã tăng rất mạnh khi có thông tin về các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Khép lại phiên 16/9, giá dầu Brent đã tăng 14,6%, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ năm 1988, lên 69,02 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng ghi nhận mức tăng phần trăm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2008 là 14,7% và khép phiên ở mức 62,90 USD/thùng.
Khối lượng dầu được giao dịch trong phiên này cũng tăng mạnh. Trong đó, lượng dầu Brent được giao dịch theo các hợp đồng kỳ hạn vượt mức 2 triệu lot (1 lot = 1.000 thùng), khối lượng giao dịch trong ngày lớn chưa từng thấy.
Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của tập đoàn dầu quốc doanh Saudi Aramco tại Abqaiq và Khurais đã khiến sản lượng của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, thị trường giờ đây cũng hoài nghi về khả năng duy trì hoạt động xuất khẩu dầu của Saudi Arabia.
Trong hai phiên sau đó là 17-18/9, giá dầu thế giới lại suy giảm khi Saudi Arabia nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất và cam kết ổn định nguồn cung bằng cách sử dụng lượng dầu dự trữ của nước này. Tuy nhiên, Saudi Aramco vẫn chưa đưa ra một lịch trình cụ thể cho việc phục hồi sản lượng hoàn toàn. Tập đoàn năng lượng này khẳng định các cơ sở lọc dầu bị tấn công sẽ phục hồi 100% công suất vào cuối tháng này, nhưng thị trường thế giới vẫn tỏ ra khá hoài nghi về khả năng nêu trên.
Sang phiên 19/9, giá dầu thế giới lại phục hồi hơn 1% khi thị trường tỏ ra lo ngại về tình hình nguồn cung dầu của Saudi Arabia. Giá dầu cũng “hưởng lợi” từ tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông khi Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran đã thực hiện các vụ tấn công hồi tuần trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có nhiều cách để đáp trả trong vụ việc này mà không cần đến một cuộc chiến và cho biết ông đã chỉ thị Bộ Tài chính Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Trong khi đó, Iran đã bác bỏ cáo buộc tham gia vào vụ tấn công nói trên và cảnh báo Tổng thống Trump không nên phát động một cuộc chiến trực tiếp tại Trung Đông.