Theo chuyên gia Trương Vi Tuấn của trang giavang.net, với mức giá bán vàng miếng SJC Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay 4/6/2024 là 77,98 triệu đồng/ lượng, giá vàng trong nước đã thu hẹp chênh lệch hơn so với giá vàng thế giới quy đổi, còn khoảng 6 triệu đồng.
“Mức chênh lệch này khá hợp lý và thực sự đã giảm đáng kể so với mức chênh gần 20 triệu đồng thời gian trước”, vị chuyên gia này nói.
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp được coi là một mức định giá ban đầu cho thị trường vàng miếng trong ngắn hạn, để các doanh nghiệp vàng, các ngân hàng thương mại được phép bán vàng dùng làm cơ sở để niêm yết giá bán ra ngoài thị trường. Việc này phần nào đã tác động, can thiệp và khắc phục được tình trạng tăng giá vô lý trên thị trường vàng miếng.
Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc Think Future Consultancy Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết: "Ngay cả khi chưa bán vàng, chênh lệch giá vàng đã giảm, cho thấy mức độ thành công của phương pháp bình ổn giá mới".
Ông này cho biết thêm, chênh lệch giá vàng SJC trong nước so với giá vàng thế giới hay các loại vàng khác ở trong nước đều có lý do riêng. Vàng SJC có thương hiệu, uy tín và thanh khoản cao nhất thị trường nên thường có mức giá cao hơn các loại vàng thông thường. Người mua nếu không thích mức chênh này thì có thể mua các loại vàng khác đang có trên thị trường và với mức chênh thấp hơn. Về phía chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, mức giá hiện đã giảm khá sâu so với tuần trước (ở mức 82 triệu đồng/lượng) và cả mức kỷ lục thiết lập trước đó là 92 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy, biện pháp này hiệu quả hơn đấu thầu ở chỗ Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá rất mạnh, trong khi giá đấu thầu sát với thị trường.
Dự báo trong tuần đầu tháng 6/2024, biến động thị trường vẫn ở mức cao và chênh lệch giá vàng miếng - vàng nhẫn sẽ còn có thay đổi. Các đơn vị kinh doanh vàng lớn như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý... sẽ liên tục có những điều chỉnh phù hợp với thông báo của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động giao dịch thực tế của thị trường.
Về cơ hội và rủi ro trong việc nắm giữ vàng thời điểm này, chuyên gia Trương Vi Tuấn đánh giá: “Ngân hàng Nhà nước bán ra vàng miếng để giải quyết mức chênh lệch vàng miếng và giá vàng thế giới, cùng lúc đưa giá vàng miếng tiệm cận gần giá vàng nhẫn, vàng 9999. Song, với tính chất tiện lợi trong lưu trữ tài sản của vàng miếng cao hơn vàng nhẫn, vàng 9999 và mang thương hiệu quốc gia nên giá vàng miếng sẽ luôn cao hơn giá vàng nhẫn, vàng 9999. Đối với những nhà đầu tư muốn tích lũy, nắm giữ tài sản là vàng, đây có thể là cơ hội gia tăng vị thế đầu tư”.
Song, nhà đầu tư cần chú ý bám sát diễn biến giá, theo dõi các động thái mới của thị trường vàng thế giới khi tuần này có thông tin Bảng lương Phi nông nghiệp của Mỹ (Non Farm Payroll), cuộc họp tháng 6 của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tổ chức. Dự báo không có bình luận của quan chức Fed nên tâm lí nhà đầu tư có thể ảnh hưởng rất nhiều tới mức giá vàng thế giới.
Trên thế giới, giá vàng thế giới tăng trong phiên 3/6, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến của Mỹ đã củng cố kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối năm nay - nhân tố đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm.
Vào lúc 1 giờ phút sáng 4/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 2.347,12 USD/ounce, sau khi tăng 2% trong tháng trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1% lên 2.369,3 USD/ounce.
Trong nước, cập nhật tại thời điểm 11 giờ 44 phút hôm nay 4/6, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng đồng loạt giảm niêm yết giá vàng SJC sau thời điểm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt giá bán vàng miếng trực tiếp.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 77,48 - 78,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tăng 180 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 520 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra đối với vàng miếng SJC so với chốt phiên hôm qua, ở mức 77, - 78,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).