Chốt phiên giao dịch, chỉ số đồng USD - dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chính - đã giảm gần 0,1% xuống 105,11, sau khi lên mức cao nhất trong 7 tuần là 105,36. Trong tháng 2, chỉ số này đã tăng 3% và chặn đứng chuỗi giảm 4 tháng liên tiếp. Các nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất lên khoảng 5,4% vào mùa Hè này, trong khi vào đầu tháng 2, con số này được dự báo sẽ chỉ đạt đỉnh ở mức 4,9%. Những kỳ vọng về lãi suất cao hơn sẽ khiến các khoản đầu tư có lợi nhuận cố định trở nên hấp dẫn, từ đó làm tăng giá trị của đồng tiền.
Trong khi đó, tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã giảm xuống 1 euro đổi được 1,053 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 6/1. Tỷ giá đồng bảng Anh vẫn giữ nguyên ở mức 1 bảng đổi được 1,1946 USD, sau 3 phiên giảm liên tiếp. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1, tỷ giá đồng AUD đã giảm 0,08% xuống 1 AUD đổi được 0,672 USD.
Trước đó, các số liệu công bố ngày 24/2 cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vào tháng 1 năm nay đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong gần 2 năm qua, trong bối cảnh tiền lương tăng. Lạm phát tiêu dùng lõi của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 4,6% của tháng 12/2022. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát tiêu dùng lõi trong tháng 1 đã tăng lên mức kỷ lục là 5,3%.
Theo chuyên gia Ulrich Leuchtmann của Commerzbank, dù chỉ số đồng USD và lãi suất tăng lên, chuỗi đà tăng của tỷ lệ lạm phát lõi vẫn chưa có dấu hiện dừng lại. Chỉ khi nào số liệu này đảo chiều, mối lo ngại về lạm phát đang tác động đến thị trường mới hạ nhiệt.
Dự kiến các nhà đầu tư sẽ nhận được thêm thông tin về tình hình kinh tế toàn cầu trong tuần này, khi số liệu khảo sát trong lĩnh vực sản xuất vào tháng 2 của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) được công bố vào ngày 1/3 và các số liệu lạm phát tại Eurozone được công bố một ngày sau đó.