Sau phiên giảm điểm tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường giao dịch chứng khoán Mỹ lại duy trì đà tăng, dẫn đầu là chỉ số Dow Jones - đại diện cho các công ty lớn. Dow Jones tăng 1,9% tương đương hơn 740 điểm, đóng cửa ở mức 40.954,48. Đây là phiên thứ hai liên tiếp, chỉ số này lập đỉnh. Chỉ số S&P 500 cũng đạt kỷ lục mới.
Động lực của thị trường một phần đến từ các báo cáo doanh thu tích cực của Bank of America và UnitedHealth Group. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư đang dịch chuyển sang các công ty nhỏ hơn, vốn có hiệu suất kém trong năm 2024 nhưng được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc Fed hạ lãi suất.
Thống đốc Fed Adriana Kugler cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể hạ lãi suất sớm hơn dự kiến nếu thị trường lao động suy yếu "quá nhiều".
Nhà phân tích Patrick O'Hare từ Briefing.com mô tả tâm lý hiện tại trên Phố Wall là đang kỳ vọng vào "một môi trường hoàn hảo, nơi thị trường chứng khoán được hưởng lợi từ cả hai phía" khi Fed cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát giảm mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Những thay đổi trong kỳ vọng đối với Fed cũng đẩy giá vàng lên mức kỷ lục mới. Kim loại quý này tăng 1,9% lên 2.450,07 USD/ounce.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các sàn giao dịch chứng khoán tại London, Paris và Frankfurt đều giảm điểm.
Chỉ số kỳ vọng kinh tế của Viện ZEW của Đức cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư Đức giảm lần đầu tiên trong một năm vào tháng 7.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cập nhật triển vọng toàn cầu mới nhất, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4. Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cảnh báo về những rủi ro lạm phát đang diễn ra và căng thẳng thương mại sắp tới.