Tuy nhiên, lực bán có phần chiếm ưu thế khiến chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,46% xuống 2.339 điểm, nối dài đà giảm sang ngày thứ ba liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 6.300 tỷ đồng.
Giá ca cao, bông tăng mạnh; giá cà phê điều chỉnh giảm
Đóng cửa ngày giao dịch 23/5, giá ca cao tăng vọt 7,6% trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu vẫn đang ở mức thấp. Tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 19/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,437 triệu tấn, giảm mạnh 29% so với cùng kỳ vụ trước.
Cùng chung xu hướng, giá bông tăng gần 3%, lên mức cao nhất gần 1 tháng. Doanh số bán hàng bông vụ 2023-2024 của Brazil tăng trở lại, phản ánh nhu cầu về bông đang có sự phục hồi. Trong báo cáo xuất khẩu bông hàng tuần kết thúc ngày 16/5, Mỹ bán 202.900 kiện bông, tăng lần lượt 30% và 19% so với tuần trước và mức trung bình 4 tuần gần nhất.
Ở chiều ngược lại, giá cà phê điều chỉnh giảm lần lượt 2,1% với Arabica và 2,5% với Robusta. MXV cho biết, tín hiệu nguồn cung nới lỏng tại Brazil, kết hợp với lực bán kỹ thuật là yếu tố chính gây áp lực lên giá cà phê trong ngày hôm qua.
Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil CONAB nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2024 của Brazil lên 58,8 triệu bao loại 60kg, tăng nhẹ so với mức 58,1 triệu bao trong báo cáo trước đó và cao hơn 6,8% so với sản lượng cà phê năm 2023.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của một số quốc gia sản xuất chính. Sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Colombia dự kiến đạt 12,4 triệu bao và xuất khẩu tăng lên khoảng 12 triệu bao. Tại Peru, sản xuất và xuất khẩu cà phê vụ 2024-2025 tăng lần lượt 7% và 6% so với vụ trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày hôm qua (23/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 7.000 - 7.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 116.000 - 117.000 đồng/kg. Giá cà phê nội địa đang trong đà hồi phục mạnh mẽ, chỉ trong vòng 1 tuần qua, giá thu mua đã tăng mạnh khoảng 15.000 đồng/kg.
Giá kim loại nối dài đà giảm
Khép lại ngày giao dịch 23/5, bảng giá kim loại chìm trong sắc đỏ. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim nối dài đà giảm do sức ép vĩ mô. Chốt ngày, giá bạc giảm 3,31% về 30,45 USD/ounce, mức thấp nhất một tuần. Giá bạch kim để mất 1,84% xuống 1.030,4 USD/ounce, đánh dấu ngày giảm giá thứ tư liên tiếp.
Ngay từ đầu phiên, giá bạc và giá bạch kim đã giảm mạnh do sức ép vĩ mô. Tâm lý bi quan bao trùm lên thị trường sau khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) công bố biên bản cuộc họp lãi suất, cho thấy các quan chức vẫn tỏ ra lo ngại về lạm phát và thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách thắt chặt.
Cùng với đó, đồng USD tăng giá mạnh sau khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế tích cực, càng gây sức ép lên giá bạc và bạch kim. Cụ thể, theo dữ liệu sơ bộ của S&P Global, hoạt động sản xuất của Mỹ đã mở rộng trở lại với chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ đạt 50,9 điểm trong tháng 5, cao hơn 0,9 điểm so với dự báo. Lĩnh vực dịch vụ cũng tăng mạnh với chỉ số PMI dịch vụ đạt 54,8 điểm trong tháng 5, cao hơn 3,6 điểm so với dự báo và tăng từ mức 51,3 điểm của tháng 4. Chỉ số Dollar Index tăng mạnh sau dữ liệu, kết phiên ở mức 105,11 điểm, cao nhất một tuần.
Đối với kim loại cơ bản, sức ép vĩ mô gia tăng cũng gây áp lực lên giá đồng, kéo giá đồng COMEX tiếp tục giảm 1,15%. Hơn nữa, kể từ tháng 3 tới nay, một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng của giá đồng là do rủi ro nguồn cung thắt chặt. Do vậy, giá đồng đã suy yếu trở lại khi rủi ro này được xoa dịu bớt. Reuters đưa tin các công ty khai thác lớn đang đẩy mạnh hoạt động khai thác nhằm gia tăng sản lượng đồng.
Giá quặng sắt cũng suy yếu từ mức cao nhất 3 tháng sau khi giảm 2,24% về 119,67 USD/tấn, do lo ngại về triển vọng tiêu thụ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel), sản lượng thép thô toàn cầu chỉ đạt 155,7 triệu tấn trong tháng 4, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng của Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép nhất thế giới, đạt 85,9 triệu tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu thép yếu tại Trung Quốc và cả trên toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt lam đầu vào cho sản xuất thép vì thế cũng trở nên kém lạc quan hơn, gây sức ép lên giá.