23 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt chốt ngày trong sắc đỏ, trong đó nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức sụt giảm lớn, đã kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày 4/10 giảm sâu hơn 2%, xuống 2.188 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường tiếp tục gia tăng, thể hiện qua mức tăng hơn 5% của giá trị giao dịch toàn Sở, ghi nhận ngày tăng thứ 3 liên tiếp, kết ngày đạt trên 4.600 tỷ đồng, cao nhất gần hai tuần qua.
Giá dầu lao dốc hơn 5%
Thị trường dầu hôm qua chứng kiến ngày giao dịch giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 7 năm ngoái. MXV cho biết, sức ép kinh tế vĩ mô, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đi xuống sau đợt tăng nóng trước đó, đã xoá hoàn toàn mức tăng tích luỹ kể từ đầu tháng 9.
Cụ thể, giá dầu WTI đánh mất 5 USD trong phiên ngày 4/10, hạ 5,61% giá trị xuống còn 84,22 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên giảm 5,62% xuống còn 85,81 USD/thùng.
Cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng năng lượng các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) kết thúc không có bất ngờ. Saudi Arabia tiếp tục thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11 và kéo dài biện pháp này đến hết năm nay.
Trong khi đó, Nga cũng duy trì cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến hết tháng 12/2023. Tuy vậy, nước này sẽ làm một cuộc phân tích thị trường vào tháng tới để đưa ra quyết định nên giảm thêm hay tăng sản lượng dầu.
Kết quả cuộc họp không tạo ra bất ngờ cho thị trường, do đó, giá dầu đã phản ứng mạnh mẽ với các thông tin. Nhu cầu có dấu hiệu suy yếu sau một thời gian liên tục lập đỉnh.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng mạnh 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, cao hơn nhiều so với mức dự đoán tăng 200.000 thùng theo khảo sát từ Reuters. Lượng xăng thành phẩm được cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, cũng đã giảm hơn 600.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tại Mizuho, cho biết một phần nhu cầu bị ảnh hưởng là do những trận mưa lớn gây lũ lụt ở New York vào thứ cuối tuần trước và hậu cơn bão nhiệt đới Ophelia ảnh hưởng tới vùng Đông Bắc nước Mỹ.
Lo ngại về sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đã thúc đẩy lực bán dầu thô trong phiên rất mạnh. Ngoài ra, giá xăng RBOB cũng giảm gần 7% trước thông tin trên. Theo các nhà phân tích hàng hóa tại JP Morgan, mức tiêu thụ xăng của Mỹ theo mùa đang ở mức thấp nhất trong 22 năm.
Dự trữ dầu thô trên toàn nước Mỹ giảm 2,2 triệu thùng xuống 414,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 29/9, ít hơn thống kê từ Viện dầu khí Mỹ (API). Trong khi tồn kho tại Cushing, Oklahoma, trung tâm phân phối dầu WTI, đã tăng lần đầu tiên sau 8 tuần giảm liên tiếp.
Đường ống dẫn dầu Keystone, tuyến đường huyết mạch vận chuyển dầu từ Canada đến các thị trường ở Mỹ và nước ngoài, đang hoạt động với khoảng một nửa công suất tính đến ngày 4/10. Trước đó, đường dẫn tạm ngừng để bảo trì và vận chuyển khoảng 300.000 thùng dầu/ngày. Keystone hoạt động lại đồng nghĩa với việc dầu có thể tiếp tục chảy vào Cushing, Oklahoma, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ.
Ngoài ra, sức ép vĩ mô cũng đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với giá dầu. Thay đổi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, theo khảo sát từ ADP tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9/2023 khi các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động tuyển dụng, đặc biệt là các công ty lớn.
Cụ thể, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp của Mỹ chỉ tăng thêm 89.000 việc làm trong tháng 9/2023, thấp hơn so với mức 153.000 kỳ vọng của thị trường. Đây là tốc độ mở rộng chậm nhất kể từ tháng 1/2021. Điều này cho thấy môi trường lãi suất cao cùng với các cuộc đình công lớn làm ảnh hưởng đến thị trường lao động và “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ.
Giá bạc giảm liên tiếp, giá đồng duy trì ở vùng đáy 4 tháng
Khép lại ngày giao dịch 4/10, sắc đỏ tiếp tục bao trùm bảng giá thị trường kim loại. Trong nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,08% xuống 21,14 USD/ounce, đánh dấu 4 phiên giảm liên tiếp của giá bạc. Trong khi đó, giá bạch kim nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa tại mức 874,2 USD/ounce, sau khi giảm 0,61%. Giá vàng duy trì đà giảm sang phiên thứ 8 liên tiếp khi giảm 0,1% xuống 1.821 USD/tấn.
Giá bạc và bạch kim đã có ngày giao dịch đầy biến động. Giá giảm mạnh trong phiên sáng, chủ yếu do chịu áp lực bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao. Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất lâu hơn đã thúc đẩy nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang các kênh đầu tư trú ẩn an toàn, như đồng dollar Mỹ với tính thanh khoản cao và trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy vậy, giá bạc và bạch kim đã có nhịp hồi nhẹ trong phiên tối, sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt. Cụ thể, trong tháng 9, khu vực tư nhân của Mỹ đã có thêm 89.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp, thấp hơn nhiều so với mức 153.000 theo dự báo của giới phân tích và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho biết vào ngày 4/10.
Thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt làm giảm áp lực lạm phát, điều này giúp mở ra hy vọng về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của FED. Theo đó, chỉ số Dollar Index và lợi suất trái phiếu đã suy yếu ngay sau khi dữ liệu của ADP được công bố, đồng thời gián tiếp hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim phục hồi. Tuy vậy, mức giảm mạnh trong phiên sáng đã khiến giá bạc và bạch kim chốt phiên trong sắc đỏ.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp nhất trong 4 tháng, đóng cửa giảm 0,88%. Đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của giá đồng, trong khi đó, giá quặng sắt đi xuống hai phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức giá 118,05 USD/tấn.
Triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tiếp tục khiến giá đồng và giá quặng sắt phải chịu sức ép. Dự kiến giá hai mặt hàng này sẽ tiếp tục phải chịu áp lực bởi nhu cầu trầm lắng, do Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, sẽ nghỉ lễ cho tới hết ngày 8/10.
Hơn nữa, trên thị trường đồng, các nhà đầu tư tăng cường bán đồng do triển vọng nguồn cung lạc quan. Cụ thể, thị trường đồng tinh chế dự kiến sẽ thặng dư 467.000 tấn vào năm 2024, do nhà máy luyện kim mới hoặc mở rộng tại Indonesia, Ấn Độ và Mỹ giúp hỗ trợ tăng sản lượng, theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố ngày 4/10.