Quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ cũng đã giúp thị trường giảm bớt lo ngại về dư thừa nguồn cung.
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã tăng 53 xu Mỹ (0,6%) lên 83,37 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 56 xu Mỹ (0,7%) lên 76,97 USD/thùng.
Chỉ số đồng USD đã giảm xuống mức thấp mới trong 9 tháng qua. Đồng bạc xanh yếu khiến dầu mỏ được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy nhu cầu.
Ngày 1/2, OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Giá dầu cũng đang tăng trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) dự định thực thi lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2.