Vào lúc 14 giờ 28 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 7 xu Mỹ (0,1%) lên 78,67 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 17 xu Mỹ (0,2%) lên 75,74 USD/thùng, ghi nhận phiên tăng thứ năm liên tiếp.
Abhishek Chauhan, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại công ty môi giới chứng khoán Swastika Investmart Ltd., có trụ sở tại Ấn Độ, nhận định mối lo ngại dịu bớt về biến thể Omicron trên toàn cầu đã khiến thị trường lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu.
Ngày 27/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid xác nhận chính phủ nước này sẽ không đưa ra các biện pháp hạn chế mới cho đến trước Năm mới 2022. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Javid cho biết giới chức y tế đang theo dõi số liệu về tình hình COVID-19 trên cơ sở hàng ngày nhưng các quy định chống dịch hiện tại sẽ không thay đổi trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu vẫn bị hạn chế sau khi các hãng hàng không Mỹ hủy hơn 1.300 chuyến bay trong ngày 26/12 do dịch COVID-19 làm giảm số lượng nhân viên của các phi hành đoàn.
Tại Trung Quốc, thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc đã tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 lên mức cao nhất nhằm kiểm soát đợt bùng ổ phát dịch nghiêm trọng nhất trong 21 tháng qua tại nước này. Thành phố lịch sử Tây An – nơi 13 triệu người dân đang phải cách ly tại nhà trong ngày thứ năm liên tiếp – hiện là tâm điểm của đợt bùng phát dịch khiến số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ vào ngày 4/1, để nghe ngóng liệu liên minh này có tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng Hai hay không.
Tại cuộc họp gần nhất, OPEC+ vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng trong tháng Một bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Giá dầu đã tăng khoảng 50% trong năm nay, nhờ nhu cầu gia tăng và chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC+.