Giá vàng sắp khép lại chuỗi giảm tám phiên liên tiếp
Giá vàng tại châu Á ổn định trong phiên chiều 5/10, và sắp chấm dứt chuỗi tám phiên giảm liên tiếp, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và đồng USD rời khỏi các mức cao gần đây.
Vào lúc 14 giờ 33 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.821,64 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,1% lên 1.835,80 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường của công ty IG Yeap Jun Rong nhận định dù giá vàng có nỗ lực để phục hồi trong phiên này, nhưng khả năng đảo ngược đà giảm vẫn chưa chắc chắn.
Theo chuyên gia này, bất kỳ diễn biến nào trước khi số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ được công bố trong tuần này có thể đều chỉ diễn ra trong ngắn hạn, và số liệu chính thức này vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến chiều hướng thị trường trong thời gian tới, cùng với số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến được công bố vào tuần tới.
Phiên này, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ rời khỏi mức cao nhất 16 năm qua, và đồng USD giảm 0,2%, từ đó giảm bớt phần nào áp lực đối với vàng.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019.
Theo chuyên gia phân tích kỹ thuật của hàng tin Reuters Wang Tao, giá vàng giao ngay có thể thử ngưỡng kháng cự 1.834 USD/ounce, và nếu có thể bứt phá khỏi ngưỡng này, giá vàng có thể tăng lên 1.855 USD/ounce.
Giá dầu đảo chiều đi lên sau quyết định của OPEC+
Giá dầu tăng trong phiên này, đảo ngược phần nào đà giảm trong phiên trước, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ đã duy trì các mức cắt giảm sản lượng để giữ nguồn cung thắt chặt, dù triển vọng nhu cầu không chắc chắn đã giới hạn đà tăng giá của “vàng đen”.
Giá dầu Brent Biển Bắc và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều tăng 55 xu Mỹ lên các mức lần lượt 86,36 USD/thùng và 84,77 USD/thùng.
OPEC+ đã quyết định không thay đổi chính sách sản lượng của nhóm, và Saudi Arabia cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến hết năm nay, trong khi Nga cũng duy trì kế hoạch giảm lượng dầu xuất khẩu 300.000 thùng/ngày đến hết tháng 12. Các chuyên gia của ngân hàng National Australia Bank dự đoán thị trường dầu sẽ thiếu hụt đến hết quý IV.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này bị hạn chế khi kết quả một khảo sát mới đây cho thấy nhu cầu của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần ba năm qua trong tháng Chín. Số liệu mới nhất cũng cho thấy nhu cầu xăng tại Mỹ giảm mạnh.
Ông Yeap Jun Rong nhận định giá dầu sẽ gặp khó khăn trong đà đi lên trước triển vọng nhu cầu không chắc chắn nói trên, cùng với đó là sự gia tăng trong lượng xăng dự trữ và số liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố ngày 4/10. Lĩnh vực dịch vụ của nước này đã tăng chậm lại trong tháng Chín, khi lượng đơn đặt hàng mới giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng qua.
Chứng khoán châu Á nối gót đà tăng của Phố Wall
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng nhẹ trong phiên chiều 5/10 sau khi nhận được sự dẫn dắt tích cực từ Phố Wall.
Chứng khoán Mỹ khép phiên 4/10 trong sắc xanh, qua đó chấm dứt chuỗi ba phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, với chỉ số công nghệ Nasdaq tăng đến 1,4%.
Tâm lý tích cực này được tiếp nối tại châu Á, với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo khép phiên tăng 1,8% lên 31.075,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng nhẹ 0,1 % lên 17.213,87 điểm.
Các thị trường Singapore, Jakarta và Kuala Lumpur cũng tăng điểm, trong khi thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đại lục đóng cửa nghỉ lễ.
Ông Stephen Innes, chuyên gia của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management, cho biết thị trường Mỹ tăng điểm nhờ các số liệu kinh tế yếu đã xoa dịu những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài chu kỳ nâng lãi suất, và các thị trường chứng khoán châu Á đã phản ứng bằng một phiên khởi sắc.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed.