Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong bài phát biểu tại Hong Kong (Trung Quốc) trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra vào tuần tới, Tổng Giám đốc Lagarde nhận định nền kinh tế thế giới đang ghi nhận những tiến bộ tích cực và thể chế tài chính này vẫn duy trì đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế. Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thương mại tự do khi "tạo ra hàng triệu việc làm mới với mức lương cao hơn".
Trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu và tuyên bố tăng thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bà Lagarde cho rằng việc xem thâm hụt thương mại là một dấu hiệu của hoạt động thương mại bất bình đẳng là một sai lầm. Bà hối thúc chính phủ các nước "cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức", nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương đã khiến thế giới thay đổi hoàn toàn khi giúp giảm một nửa tỷ lệ dân số toàn cầu sống trong nghèo đói.
Cũng trong phát biểu của mình, người đứng đầu IMF nhấn mạnh lịch sử cho thấy các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả mọi người, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.
Theo bà Lagarde, cách tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng thương mại là sử dụng các công cụ tài chính hoặc cải cách cơ cấu. Chính phủ các nước cần nỗ lực "cắt giảm các hàng rào thương mại và giải quyết bất đồng mà không cần viện đến các biện pháp đặc biệt", cũng như trực tiếp hỗ trợ các nước đang đối mặt với những biến động, có thể từ thương mại hay công nghệ mới, bằng cách tăng cường đầu tư giáo dục và đào tạo.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những quyết sách làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới. Hôm 23/3 vừa qua, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu, với lý do bảo vệ “an ninh quốc gia”.
Đến ngày 3/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lại công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng" của Trung Quốc liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Đáp lại, Trung Quốc ngày 4/4 đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu tương, xe ôtô và hóa phẩm.
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Trump sau đó yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét đánh thuế lên số hàng hóa trị giá 100 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại việc hai nước trả đũa lẫn nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng" có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại thực sự với quy mô và thiệt hại khó có thể kiểm soát, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.