Giá vàng giảm khi đồng USD mạnh lên
Vào lúc 14 giờ 42 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 2.166,90 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,4% xuống 2.172 USD/ounce.
Phiên này, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt tăng 0,1%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang ở mức 4,2036%, trên mức trung bình 200 ngày.
Đồng USD mạnh lên sẽ khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, và lợi suất trái phiếu tăng cũng làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi như vàng.
Giới đầu tư đang chờ đợi số liệu về doanh số bán lẻ, chỉ số giá sản xuất và số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp dự kiến được công bố trong ngày 14/3, để đo lường thể trạng nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng đến triển vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo số liệu của LSEG, giới đầu tư đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng Sáu là 67%, thấp hơn mức 72% trước khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng được công bố.
Giá dầu tăng nhờ nhu cầu cao tại Mỹ
Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên chiều 14/3, nhờ nhu cầu cao tại Mỹ sau khi lượng xăng dự trữ giảm xuống mức thấp nhất ba tháng và lượng dầu thô dự trữ bất ngờ sụt giảm.
Vào lúc 13 giờ 52 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Năm tăng 11 xu Mỹ, hay 0,13%, lên 84,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tư tăng 10 xu Mỹ, hay 0,13%, lên 79,82 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết lượng xăng dự trữ của Mỹ đã giảm tuần thứ sáu liên tiếp, với mức giảm 5,7 triệu thùng xuống 234,1 triệu thùng, gấp ba lần mức giảm dự đoán 1,9 triệu thùng. Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ cũng bất ngờ sụt giảm vì hoạt động xử lý dầu gia tăng.
Bên cạnh đó, trong một động thái có tác động tích cực về phía cầu, Mỹ đã mua khoảng 3,25 triệu thùng dầu cho Kho dự trữ chiến lược của nước này với kỳ hạn giao tháng Tám.
Chứng khoán châu Á “đi ngang” chờ số liệu của Mỹ
Các thị trường chứng khoán châu Á “neo” gần mức cao nhất bảy tháng qua trong phiên chiều 14/3, khi thị trường hầu như “đi ngang” giữa lúc giới đầu tư đang chờ đợi các chất xúc tác mới để rõ hơn về chu kỳ nới lỏng lãi suất trên toàn cầu.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) ít biến động trong phiên này và giao dịch không quá xa mức “đỉnh” bảy tháng qua ghi nhận trong phiên trước đó.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 111,41 điểm, hay 0,29%, lên .807, điểm, qua đó khép lại chuỗi ba phiên giảm điểm liên tiếp. Nhưng chỉ số này vẫn đang hướng đến mức giảm theo tuần mạnh nhất trong ba tháng qua trong tuần này, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có khả năng sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng tại cuộc họp sắp tới.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 5,6 điểm, hay 0,18%, xuống 3.0,23 điểm, còn chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 137,19 điểm, hay 0,18%, xuống 16.944,92 điểm.
Sự suy yếu của thị trường chứng khoán Trung Quốc một phần là do thông tin một tổ chức thương mại toàn cầu có trụ sở ở Washington đại diện cho các công ty công nghệ sinh học đang có động thái “cô lập” công ty Wuxi AppTeccủa Trung Quốc, khiến cổ phiếu của công ty này giảm mạnh.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu chỉ số giá sản xuất của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày 14/3, bên cạnh các số liệu chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và doanh số bán lẻ tháng Hai.
Các số liệu này được công bố trước thềm cuộc họp tuần tới của Fed. Trọng tâm chú ý của thị trường với cuộc họp này sẽ là manh mối về thời điểm mà Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 6,25 điểm, hay 0,49%, xuống 1.264,26 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,48 điểm, hay 0,62%, lên 239, điểm.