Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các trường hợp đang sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý đối với mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương xử lý chuyển tiếp các trường hợp theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 136 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các trường hợp phát sinh sau ngày 1/1/2018. Qua kết quả rà soát, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; chú trọng thực hiện nghiêm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích nêu trên; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định giá cho thuê tài sản công; kiểm soát chặt chẽ việc xác định giá trị tài sản, vốn góp của đối tác tham gia vào liên doanh, liên kết, tránh tình trạng “thổi giá” làm ảnh hưởng tới quyền lợi của đơn vị sự nghiệp công lập và người sử dụng dịch vụ có được từ hoạt động liên doanh, liên kết.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết, tổ chức đấu giá khi cho thuê tài sản công, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Theo quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết trong một số trường hợp khi đáp ứng đủ 8 điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
a) Được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 và khoản 2 Điều 58 của Luật này cho phép.
b) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao.
c) Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao.
d) Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
đ) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản.
e) Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
g) Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định.
h) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. (trích Khoản 2, Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).