Khép lại phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hạ 3,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng mất hơn 3%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6% (70,73 điểm), xuống 2.648,80 điểm, khi giới đầu tư phản ứng trước diễn biến mới trong quan hệ Nga-Ukraine. Trước đó, vào đầu phiên giao dịch sáng cùng ngày, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã đóng băng lãi suất repo chuẩn kỳ hạn 7 ngày ở mức 1,25%, với lý do tác động bởi đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tình trạng bán tháo đã xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo của Nhật Bản. Kết quả là chỉ số Nikkei-225 đã giảm xuống dưới 26.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 20/11/2020 và đóng cửa ở mức 25.970,82 điểm, giảm 478,79 điểm (tương đương 1,81%) so với phiên giao dịch trước, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 23,5 điểm, tương đương 1,25%, xuống còn 1.857,58 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp chỉ số Nikkei-225 giảm điểm, với mức giảm lên tới 5,4% trong giai đoạn này.
Không nằm ngoài đà giảm chung, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm. Quan ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh lớn ở Đông Âu do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã nối dài những tổn thất gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Đóng cửa phiên 24/2, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt lùi 758,72 điểm (3,21%) và 59,19 điểm (1,7%), xuống 22.901,56 điểm và 3.429,96 điểm.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình sáng 24/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại Donbass, miền Đông Ukraine. Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn nguồn lực lượng biên phòng Ukraine cho biết vào khoảng 5h00 sáng 24/2 (giờ địa phương), các binh sĩ Nga đã tấn công bằng pháo, các khí tài quân sự và vũ khí nhỏ khác nhằm vào các đơn vị biên phòng và các trạm kiểm soát ở Sumy, Kharkiv, Chernihiv và Zhytomyr của Ukraine. Trong khi đó, Chính phủ Ukraine đã thông qua kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trước động thái này, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ và nước các đồng minh sẽ phối hợp trong phản ứng với Nga. Tổng thống Biden cảnh báo về những hậu quả mà Nga phải gánh chịu và "thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm" về quyết định này. Dự kiến Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu trong ngày 24/2 (giờ địa phương) về bước đi sắp tới của chính quyền Washington.
Mở cửa phiên 24/2 tại thị trường châu Âu, các chỉ số chứng khoán cũng đua nhau lao dốc khi các nhà đầu tư bán đẩy mạnh bán tháo các tài sản rủi ro do khủng hoảng Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc chiến mới ở châu Âu sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế thế giới đi chệch hướng.
Cụ thể, chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 2,9%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021, và giảm 10% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 1/2022.
Tại Đức, chỉ số DAX mở cửa giảm 3,7%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, do xu hướng bán tháo trước lo ngại về việc nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Trong khi đó, giá dầu tăng đã giúp hạn chế thiệt hại đối với chỉ số FTSE 100 của Anh, với mức giảm 2,4%.
Phản ứng mạnh cùng thị trường toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 24/2. Cuối phiên này, chỉ số VN-Index giảm 17,45 điểm (1,15%), còn 1.494,85 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 7,66 điểm (1,73%) xuống 434,88 điểm.