Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã sụt giảm 1%, từ mức cao nhất trong ba thập kỷ, xuống 33.370,41 điểm. Trên hai sàn giao dịch lớn nhất Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,64%, xuống còn 19.912,89 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,54%, còn 3.255,81 điểm.
Các nhà phân tích cho rằng kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Bắc Kinh sẽ tăng cường mạnh mẽ các biện pháp kích thích kinh tế đã bị tiêu tan, do thiếu các thông tin chi tiết từ cuộc họp nội các Trung Quốc ngày 16/6.
Ngân hàng Goldman Sachs ngày 18/6 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2023 từ mức 6,0% xuống còn 5,4%. Các ngân hàng lớn khác cũng đã hạ dự báo về sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cho vay trung hạn. Nhiều đồn đoán cho rằng PBoC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt trong tuần này.
Tại Mỹ, mặc dù Fed đã công bố tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6, nhưng cơ quan này cũng báo hiệu lãi suất có thể tăng hai lần nữa trong năm 2023, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi vào tuần trước, giúp đồng euro giữ gần mức cao nhất trong năm tuần so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Anh (BoA) sẽ nhóm họp vào tuần này và dự kiến sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 15 năm. Hiện lạm phát của Anh vẫn tiếp tục ở mức cao hơn 4 lần so với mục tiêu.
Trong khi đó, đồng yen của Nhật Bản tiếp tục bị suy yếu, sau cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), khi các quan chức phụ trách lĩnh vực tiền tệ của nước này khẳng định vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ 02 phút ngày 19/6, chỉ số VN-Index giảm 0,88%, xuống còn 1.105,4 điểm. Chỉ số HNX30 giảm 0,97%, xuống 427.32 điểm.