Chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong (Trung Quốc) khép phiên tăng 0,7% lên 28.816,30 điểm và chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải tăng 1,9% lên 2.804,23 điểm.
Trong khi các thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc) và Wellington (New Zealand) tăng 0,1%, thị trường Đài Bắc (vùng lãnh thổ Đài Loan) “dậm chân tại chỗ”. Còn thị trường Manila (Philippines) và Bangkok (Thái Lan) đều hồi phục trở lại.
Vào lúc đóng cửa phiên giao dịch 22/2, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,2% xuống còn 21.425,51 điểm.
Theo nhà phân tích thị trường cao cấp Alfonso Esparza của OANDA, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang diễn ra song không có nhiều thông tin chi tiết nên sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư đang hướng nhiều hơn tới số liệu kinh tế thấp hơn dự kiến của Mỹ vừa được công bố vào ngày 21/2.
Ngày 21/2, các nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã có ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ vòng đàm phán thương mại lần thứ 7 đang diễn ra tại thủ đô Washington, 1 tuần trước hạn chót "đình chiến thương mại" vào ngày 1/3 tới. Một số nguồn tin Chính phủ Trung Quốc cho hay hai bên đã nhất trí về cách thức giảm sự mất cân bằng thương mại, yếu tố góp phần dẫn tới sự căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc đang xem xét một danh sách gồm 10 cách để Bắc Kinh giảm thặng dư thương mại của nước này với Mỹ, trong đó có việc mua bổ sung nông sản, năng lượng, các hàng hóa khác như là thiết bị bán dẫn.
Trong biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất được công bố vào ngày 20/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tin rằng kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm trước giữa lúc rủi ro đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó có tình trạng căng thẳng thương mại. Biên bản cuộc họp diễn ra ngày 29-30/1 vừa qua của Fed nhấn mạnh quyết định của cơ quan này về việc giữ lãi suất ổn định, đồng thời tái khẳng định lập trường thận trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell đối với việc thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.