Ngoài Dow Jones, hai chỉ số chứng khoán chủ lực khác của Mỹ là S&P 500 và Nasdaq Composite cùng tăng 0,6%vào chốt phiên, dừng ở mức lần lượt là 5.615,35 điểm và 18.398,45 điểm. Trong phiên trước đó, cả hai chỉ số này bất ngờ giảm điểm, kết thúc chuỗi ngày liên tục lập kỷ lục mới trước đó. Dow Jones chốt phiên ở mức 40.000,90 điểm (tăng 0,6%).
Ở bên kia bờ Đại Tây Dường, thị trường chứng khoán Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) tràn ngập sắc xanh với mức tăng 1%. Theo dữ liệu của Bộ Lao động, lạm phát bán buôn trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 0,2%, nhiều hơn dự kiến.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết dữ liệu ngày 12/7 không ảnh hưởng tới những tín hiệu tích cực từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng một ngày trước đó, vốn làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất.
Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố không cần đợi lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% để bắt đầu hạ lãi suất.
Ông Axel Rudolph, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch IG trực tuyến, đánh giá: “Mặc dù giá sản xuất của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu và Mỹ đều kết thúc tuần với tín hiệu tích cực do các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9”.
Tại châu Á, chứng khoán Tokyo giảm 2,5% do tập trung chủ yếu vào hoạt động của ngân hàng trung ương. Có nhiều suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để thúc đẩy đồng yen, khiến cổ phiếu giảm giá do việc đồng yen mạnh hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản xuất của nước này.
Các nhà phân tích cho biết dữ liệu lạm phát yếu hơn của Mỹ ngày 11/7 đã mang lại cho chính quyền Nhật Bản cơ hội hoàn hảo để bước vào thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng yen, vốn đang tăng giá so với USD.