Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều sau số liệu lạm phát của Mỹ

Các thị trường chứng khoán trên thế giới diễn biến ngược chiều nhau trong phiên 10/5 sau khi số liệu được mong đợi cho thấy lạm phát tiêu dùng của Mỹ chỉ giảm nhẹ trong tháng 4/2023.

Chú thích ảnh
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu chính thức cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 4/2023 của Mỹ đã tăng 4,9%, thấp hơn một chút so với mức tăng 5% trong tháng 3/2023 bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nỗ lực kiềm chế giá tăng.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 33.531,33 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,5% lên 4.137,64 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1% lên 12.306,44 điểm.

Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,3% xuống 7.741,33 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,4% xuống 15.896,23 điểm. Còn chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,5 xuống 7.361,20 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,4% xuống 4.306,76 điểm.

Mặc dù số liệu lạm phát trên đánh dấu mức tăng ít nhất trong khoảng hai năm, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch COVID-19. Srijan Katyal, trưởng bộ phận chiến lược và dịch vụ giao dịch toàn cầu tại công ty môi giới ADSS, cho biết lạm phát vẫn duy trì ổn định ở mức 4,9% bất chấp chiến dịch tăng lãi suất kéo dài của Fed.

Sau khi Fed tăng lãi suất vào tuần trước và báo cáo việc làm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt dự báo, các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi chỉ số quan trọng này của Mỹ để hiểu rõ hơn về quyết định sắp tới của các nhà hoạch định chính sách.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com cho biết số liệu lạm phát nếu được cải thiện "ít nhất sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất chính sách khi tổ chức cuộc họp vào tháng 6/2023".

Một vấn đề "hóc búa" khác của Fed là cần tránh gây ra căng thẳng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng sau ba vụ ngân hàng Mỹ phá sản gần đây, một ngân hàng được JPMorgan tiếp quản và UBS mua Credit Suisse trong vòng hai tháng.

Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi các diễn biến của cuộc đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ, trong đó các nhà lãnh đạo quốc hội không thể đạt được thỏa thuận nào.

Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp quan trọng của cả hai đảng dự kiến sẽ gặp lại nhau vào ngày 12/5. Tuy nhiên, con đường phía trước sẽ rất khó khăn vì đảng Cộng hòa, đang kiểm soát Hạ viện, cho biết sẽ chỉ tăng giới hạn nợ từ mức tối đa 31.400 tỷ USD hiện tại nếu các biện pháp hạn chế chi tiêu được đưa ra.

Vẫn chưa rõ khi nào chính phủ sẽ hết tiền, nhưng Bộ Tài chính đã cảnh báo điều đó có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 1/6.

Còn tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 4,49 điểm (0,43%) lên 1.053,77 điểm; còn HNX- Index tăng 1,94 điểm (0,92%) lên 213,89 điểm.

Minh Hằng (TTXVN)
Chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, chứng khoán châu Á chiều 10/5 đi xuống 
Chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, chứng khoán châu Á chiều 10/5 đi xuống 

Trong phiên giao dịch chiều 10/5, chứng khoán châu Á kéo dài đà giảm khi các nhà giao dịch chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ. Bên cạnh đó, tâm lý của nhà đầu tư còn chịu sức ép do một loạt vấn đề như bế tắc trần nợ tại Mỹ và và sự thiếu chắc chắn của ngành ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN