Tại thời điểm chốt phiên ngày 15/3, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong đã giảm gần 6% xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, chỉ số các cổ phiếu lớn và thanh khoản của Trung Quốc giảm tới 6,6%. Hàng tỷ USD đã “bốc hơi” theo giá trị các cổ phiếu của Trung Quốc kể từ đầu tuần đến nay.
Theo giới phân tích, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và bất kỳ sự suy thoái nào do các biện pháp phong tỏa gây ra sẽ tạo tác động lớn vượt ra ngoài biên giới. Cổ phiếu công nghệ và năng lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do những quan ngại rằng các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang gặp khó khăn sẽ có thể đương đầu với những bước thụt lùi khác do các lệnh phong tỏa. Cổ phiếu của “ông lớn” Apple đã sụt giảm 2% hôm 14/3 sau khi có tin Foxconn - nhà sản xuất iPhone - đóng cửa một số nhà máy.
Bà Victoria Scholar, trưởng bộ phận đầu tư của công ty quản lý tài sản Interactive Investor, cho biết trên sàn giao dịch London, các cổ phiếu của một số công ty lớn có mối liên hệ với Trung Quốc như Prudential, Rio Tinto và HSBC cùng ngày giảm sâu. Đáng chú ý, cổ phiếu của Prudential và Rio đều mất hơn 3,8% giá trị. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư đối với hoạt động kinh doanh có liên quan đến Trung Quốc.
Nhà phân tích Scholar cũng nhận định thêm rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang gặp rủi ro. Ngày càng có nhiều dự báo tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể ở mức 0%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà chính phủ nước này đề ra. Trong khi đó, giám đốc đầu tư quản lý tài sản toàn cầu tại UBS, Mark Haefele, cho biết giới phân tích kỳ vọng những biến động thị trường chỉ xảy ra trong ngắn hạn cho đến khi các biện pháp ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới tại Trung Quốc cho thấy những hiệu quả rõ ràng.
Tính đến ngày 15/3, các ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận tại 21 tỉnh và thành phố trên khắp Trung Quốc, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh cũng như các thành phố lớn khác gồm Thượng Hải và Thâm Quyến. Mặc dù số ca mắc hiện ở mức tương đối thấp - vào khoảng vài nghìn người mỗi ngày - nhưng gần 40 triệu người đã phải tuân thủ lệnh phong tỏa khi Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn một làn sóng COVID-19 mới.