Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Cụ thể, VN-Index tăng 2.% đạt 1.150,19 điểm, chỉ cách chưa đến 2% so với mức đỉnh lịch sử trên 1.170 điểm; HNX-Index tăng 4.33% đạt mức 133,1 điểm.
Diễn biến thị trường tuần giao dịch qua với sự giằng co quyết liệt khiến cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục diễn biễn phân hóa mạnh.
Tuy vậy, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào các nhóm cổ phiếu quan trọng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường cân bằng trở lại vào các phiên giữa tuần và bứt phá mạnh phiên cuối tuần.
Các mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và thu hút dòng tiền tốt có thể kể đến như: BID tăng 14,9%, SHB tăng tới 11,3%, CTG tăng 13,3%, ACB tăng 7,7%, MBB tăng 7,5%, STB tăng 5,8%, HDB tăng 5,4%, VCB tăng 5,2%.
Theo giới phân tích, nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo còn nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh nhờ những tín hiệu về tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát tiếp tục ở mức tốt.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, từ việc các ngân hàng phát hành tăng vốn cũng như bán cổ phần cho các đối tác chiến lược trong năm nay. Việc nới room ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là những nhân tố tích cực hỗ trợ tốt cho nhóm cổ phiếu này.
Theo chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, các nhà đầu tư nước ngoài sắp tới có thể sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV khi các ngân hàng này mở thêm room lớn cho các ngân hàng nước ngoài. Hay thông tin về việc Agribank sắp cổ phần hóa cũng khiến các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm.
"Không chỉ vậy, các ngân hàng hiện nay và các năm sau có lợi nhuận dự báo rất tốt, tỷ lệ nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ giảm dần nhờ Nghị định 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Tín chia sẻ.
Thực tế, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng như: CTG, MBB, ACB đã lập đỉnh lịch sử về thị giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, CTG đang ở mức giá 36.700 đồng/cổ phiếu tăng tới 47% so với phiên giao dịch đầu năm (2/1), trong khi MBB cũng tăng tới gần 35,6% và ACB tăng tới gần 30%.
Tuần qua, các cổ phiếu ngành chứng khoán tăng trưởng khá tốt theo đà tăng của thị trường chung như SSI tăng 5,7%, SHS tăng 8,3%, VND tăng 6%, CTS tăng 8,9%, HCM tăng 5,5%, VCI tăng 5,7%. Theo giới đầu tư, nhóm cổ phiếu chứng khoán thường “đu” theo đà tăng của thị trường chung.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã có phiên tăng điểm khá tốt cuối tuần qua, góp động lực cho đà tăng chỉ số, đặc biệt là GAS và PLX.
Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 477 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 453 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với gần 24 tỷ đồng.
Theo giới đầu tư, ảnh hưởng của khối ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây có vẻ như không quá mạnh.
Thực tế, tuần giao dịch trước đó từ 5- 9/3, khối ngoại cũng bán ròng trên cả 2 sàn, nhưng rõ ràng là trong tuần tiếp theo từ 12- 16/3, dòng tiền nội vẫn rất hào hứng và tiếp tục đổ mạnh vào thị trường, ở mức khoảng 8.900 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn.
Dễ nhận thấy, những tuần cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) trước đây, thị trường sẽ biến động khá mạnh, nhưng hiện nay ảnh hưởng của các quỹ ETF là không lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này được giải thích là do mức độ vốn hóa của thị trường, kinh nghiệm của nhà đầu tư đã cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Thực tế, giao dịch của hai quỹ ETF (FTSE và V.N.M) trong phiên ATC (loại lệnh được áp dụng trên thị trường chứng khoán từ khi tiến hành khớp lệnh liên tục) chiều ngày 16/3 không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Tâm lý nhà đầu tư có vẻ rất ổn định và tích cực trong suốt phiên giao dịch. Dòng tiền giá cao vẫn chảy vào thị trường đã giúp các chỉ số giữ vững đà tăng trưởng.