Chuỗi cửa hàng Hàn, Nhật nào tương tự Mumuso sẽ bị kiểm tra?

Những chuỗi cửa hàng bán đồ Trung Quốc nhưng lại nhập nhèm xuất xứ hàng Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ bị Bộ Công Thương kiểm tra như trường hợp Mumuso.

Không chỉ Mumuso, trên thị trường hiện nay, có một số chuỗi cửa hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm... tuy bán tràn ngập hàng Trung Quốc nhưng lại nhận diện thương hiệu rất giống hàng Nhật, Hàn Quốc khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Điển hình trong số đó là chuỗi cửa hàng Miniso.

Tháng 9/2016, Miniso gia nhập thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ cán mốc 200 cửa hàng, trải rộng khắp cả nước. Hiện tại, Miniso Việt Nam có gần 40 cửa hàng, riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm hơn 2/3 con số này.

Một cửa hàng Miniso tại Hà Nội.

Các mặt hàng bán lẻ của Miniso được giới thiệu mang phong cách Nhật Bản, đa phần được thiết kế đa dạng, trẻ trung nên thu hút khách hàng là người trẻ từ 18 - 30 tuổi.

Bước ra từ cửa hàng Miniso trên phố Giảng Võ (Hà Nội), anh Nguyễn Long (khu tập thể Giảng Võ) cho biết: "Tôi thường vào đây mua quà sinh nhật tặng bạn. Miniso có nhiều món đồ rất bắt mắt và đặc biệt là không đụng hàng với đâu, giá thành lại rẻ".

Tuy vậy anh Long cũng lưu ý, đa phần hàng hóa đều xuất xứ Trung Quốc. Nhãn mác hàng hóa viết chi chít chữ Nhật Bản nhưng nhìn kĩ sẽ thấy chữ "Made in China" nhỏ xíu. Nếu khách không nhìn kĩ sẽ khó thấy được.

Trên trang website chính thức của chuỗi cửa hàng Miniso tại địa chỉ Minisovietnam.vn, thông tin về doanh nghiệp cho biết: "Miniso là thương hiệu tiêu dùng bán lẻ, có trụ sở đặt tại Tokyo, Nhật Bản. Được thành lập bởi nhà thiết kế tài năng Miyake Jyunya và thương nhân người Trung Quốc – ông Ye Guofu".

Hãng này cho biết: "Hơn 80% sản phẩm của chúng tôi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và các quốc gia khác" và chính cách viết mập mờ này khiến người tiêu dùng không biết hàng Nhật Bản chiếm tỷ lệ bao nhiêu?

Bên trong cửa hàng Miniso được trang trí bắt mắt.

Chuỗi cửa hàng Miniso chủ yếu bán các mặt hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng tiện ích gia đình, phụ kiện điện tử... với mức giá rất rẻ. Cụ thể như bộ dụng cụ làm móng có giá 43.000 đồng, son môi giá 85.000 đồng, mũ thời trang, kính mắt, túi thời trang chỉ từ 85.000 đồng - 150.000 đồng... Nhờ mức giá thấp và thiết kế bắt mắt nên cửa hàng thu hút rất đông khách hàng trẻ.

Dù bao bì sản phẩm được in kín chữ Nhật Bản song dòng chữ “made in China” được in công khai sau mỗi sản phẩm. Trường hợp này cũng tương tự những sai phạm mà Bộ Công Thương kết luận đối với Mumuso, khi cửa hàng quảng cáo, giới thiệu như thể hàng Hàn Quốc song thực chất đều là hàng Trung Quốc.

Không chỉ Mumuso, Miniso, những cửa hàng mang phong cách Hàn, Nhật nhưng bán hàng Trung Quốc đã nở rộ ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Các cửa hàng này đều na ná nhau ở sản phẩm, phong cách phục vụ, giá cả, tên thương hiệu như Yoyoso, Minigood…

Một thương hiệu khác là Daiso được người tiêu dùng tin tưởng hơn. Daiso cam kết 100% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản. Nếu vào cửa hàng này, không khó để nhận thấy có rất nhiều hàng hóa "made in Japan", còn lại hàng "made in China" cũng không ít.

Theo anh Tuấn Cường, một du học sinh tại Nhật, cửa hàng Daiso rất phổ biển tại Nhật Bản, bán hàng đồng giá 100 - 200 - 300 yên. Daiso bán đủ thứ từ xăm xe đạp đến bút vở, bát đũa. Người Nhật rất chuộng thương hiệu này. Daiso tại Nhật Bản cũng có nhiều hàng hóa "made in China" nhưng điều đó không đáng lo. "Daiso đặt hàng từ nhiều công ty của Trung Quốc gia công theo mẫu mã của mình. Hàng hóa sau đó được nhập khẩu về Nhật Bản và đều đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng", anh Cường cho biết.

Thực tế, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, do đó hàng hóa "made in China" phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp cần làm là phải công khai, minh bạch xuất xứ hàng hóa chứ không thể mập mờ, đánh lừa người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa.

Theo các chuyên gia bán lẻ, nếu người tiêu dùng chuộng hàng Hàn Quốc, Nhật thì có thể vào các cửa hàng chuyên hàng Hàn Quốc, Nhật nội địa. Còn nếu vào các chuỗi bán lẻ như trên thì phải xem thật kĩ nhãn mác hàng hóa để không mua nhầm hàng có xuất xứ khác.

Mumuso phải nộp phạt do vi phạm nhiều quy định pháp luật về cạnh tranh.

Các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ hàng tiêu dùng lọt "tầm ngắm" cơ quan quản lý sau khi chuỗi cửa hàng Mumuso bị phát hiện quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp này bán gần 100% hàng Trung Quốc nhưng lại nhập nhèm xuất xứ như là hàng Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, đánh giá các bất cập của chính sách pháp luật quản lý hiện hành đối với mô hình kinh doanh theo chuỗi tương tự như Mumuso Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động tuân thủ pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Mumuso Việt Nam. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân.

Cục Quản lý thị trường cũng rà soát, kiểm tra hoạt động các chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình tương tự Mumuso Việt Nam trên phạm vi cả nước, báo cáo lãnh đạo Bộ phương án xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp có mô hình tương tự Mumuso Việt Nam.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Vụ Con Cưng: Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9
Vụ Con Cưng: Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9

Liên quan đến vụ việc kinh doanh hàng hóa của Công ty cổ phần Con Cưng trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia vừa yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương kết luận có hay không vi phạm của Công ty cổ phần Con Cưng trong việc kinh doanh hàng hóa; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN