Kiểm tiền USD tại quầy giao dịch tiền tệ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh người dân Mỹ đang kỷ niệm Ngày Tổng thống hàng năm, các nhà chiến lược tiền tệ vẫn tiếp tục tranh luận và dự báo về khả năng tiếp tục rớt giá của đồng USD trong năm 2018.
Lên giá mạnh so với đồng USD phải kể tới đồng euro và đồng yên Nhật, với mức tăng lần lượt 3,4% và 5,8% từ đầu năm tới nay. Liên quan đến chiều hướng biến động của đồng USD trong thời gian tới, báo chí Anh dẫn phân tích của một số chuyên gia tiền tệ cho rằng đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ, lạm phát gia tăng, khả năng Mỹ triển khai kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cũng như khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất 3 tới 4 lần trong năm nay đều là những tín hiệu có lợi cho đồng USD.
Tuy nhiên, tương tự năm 2017, các nền kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản đều trên đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều này làm gia tăng khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ bắt đầu giảm quy mô gói kích thích tăng trưởng kinh tế, một động thái được đánh giá sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời, các chuyên gia tiền tệ cũng nghi ngờ tính hiệu quả của gói kích thích tài chính mà Quốc hội Mỹ thông qua, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh và thị trường lao động vững. Xét cho cùng, Chính phủ Mỹ dường như muốn duy trì một đồng nội tệ yếu.
Nhà chiến lược tiền tệ Ulrich Leuchtmann thuộc Ngân hàng Commerzbank lưu ý rằng chiều hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ giúp đồng USD lên giá, do tác động chủ yếu từ chính sách này là lãi suất cao hơn. Đây là yếu tố hỗ trợ đồng USD, dù có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, chính sách tài khóa của Mỹ, trong đó phải kể tới thâm hụt tài chính gia tăng do tác động của biện pháp cắt giảm thuế và tăng chi ngân sách, có thể gây bất lợi cho “đồng bạc xanh”. Dù vậy, phải mất một thời gian nữa, yếu tố này mới gây sức ép lên đồng USD. Đồng quan điểm trên, nhà phân tích Vasileios Gkionakis thuộc UniCredit cho rằng việc sử dụng biện pháp kích thích chính sách tài chính vào thời điểm nền kinh tế hoạt động hết công suất có thể mang lại điềm xấu cho đồng USD.
Chuyên gia Kit Juckes thuộc Ngân hàng Société Générale tin rằng đồng USD biến động quá nhanh. Sự rớt giá mạnh của đồng USD có thể là điều đáng lo ngại trong trường hợp triển vọng kinh tế và chính trị Mỹ kém sáng sủa. Tuy nhiên, với tình huống hiện nay, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng tốc, chỉ có điều đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hiện nay đang “hút” vốn khỏi các tài sản bằng đồng USD. Đồng USD rớt giá cũng do các đồng tiền khác tăng vượt trội. Trong khi đó, nhà phân tích Michael Sneyd thuộc BNP Paribas có nhận định bi quan hơn, khi ông cho rằng trong bối cảnh các thị trường tài chính dần ổn định sau những xáo động hồi đầu tháng này, giới giao dịch bắt đầu “xa rời” đồng USD, khi nhu cầu đầu tư vào phương tiện được cho là an toàn có phần giảm.