Ông Jeffrey Christian nói: “Không ai có khả năng loại bỏ đồng USD ra khỏi hệ thống thương mại hay dự trữ ngoại hối”. Sẽ không thực tế khi lo sợ đồng USD có thể sớm bị thay thế bởi một đồng tiền thống trị khác trên thị trường tài chính toàn cầu.
Là một trong những nhà phân tích hàng hóa uy tín nhất thế giới, chuyên gia Christian cho rằng phi đô-la hóa đơn giản chỉ là một câu khẩu hiệu và sẽ không có ai bán phá giá “đồng bạc xanh”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt hiện nay, nhiều quốc gia, như Nga, Trung Quốc và một số nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã bày tỏ sự quan tâm tới việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng phần lớn thế giới đang tìm cách từ bỏ “đồng bạc xanh” là không có cơ sở thực tế.
Trong những tháng gần đây, một số nhà bình luận thị trường đã cảnh báo về nỗ lực phối hợp nhằm phi đô-la hóa nền kinh tế toàn cầu. Họ chỉ ra rằng tần suất sử dụng đồng USD trong các giao dịch thương mại thế giới và quy mô đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của các ngân hàng trung ương đang sụt giảm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Christian, sự sụt giảm đó không quá mạnh như một số người đã dự báo. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tính đến tháng 4/2022, cho thấy đồng USD chiếm 88% tổng số giao dịch tiền tệ hàng ngày trên toàn cầu.
Nhà sáng lập của CPM Group lưu ý các ngân hàng trung ương cũng không bán tháo “đồng bạc xanh”. Đồng USD chiếm 54% trong tổng dự trữ ngoại hối tính đến quý IV/2023, giảm nhẹ so với mức 54,8% được ghi nhận vào quý IV/2021 theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
So với các loại ngoại tệ khác, tỷ lệ nắm giữ đồng USD vẫn vượt trội hơn. Đồng euro - đối thủ cạnh tranh thường được so sánh nhiều nhất với đồng USD - chỉ chiếm 19% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương vào năm 2022, giảm từ mức khoảng 29% của vài thập kỷ trước.
Ông Christian nói: “Đã có sự đa dạng hóa trong việc nắm giữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, nhưng nó không làm cho đồng USD bị mất giá và không khiến cho các ngân hàng rời xa đồng USD”.
Trong khi đó, đồng USD thực tế đã tăng giá trị trong một thập kỷ gần đây. Bản thân điều này đã là dấu hiệu cho thấy nhu cầu về loại tiền phổ biến nhất thế giới đang tăng lên. Chỉ số USD, đo lường đồng bạc xanh so với các loại tiền trong rổ tiền tệ quốc tế, đã tăng gần 40% kể từ mức đáy năm 2011.
Giống như nhận định của ông Christian, nhiều nhà kinh tế học cũng đã lên tiếng bác bỏ ý kiến cho rằng đồng USD đang dần bị loại bỏ. Theo giới chuyên gia phải mất hàng thập kỷ để có thể thay thế thành công một loại tiền tệ, khi đồng tiền đó đã được coi là “nơi trú ẩn an toàn”.
Mặc dù “đồng bạc xanh” phải đối mặt với những thách thức, nhưng không có nghi ngờ gì về vị trí thống trị hiện nay của đồng tiền này.