Chính phủ Mỹ ngày 12/3 đã vào cuộc bằng một loạt các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau vụ phá sản của SVB. Sau một cuối tuần đầy biến động, giới chức Mỹ cho biết các khách hàng của SVB sẽ được tiếp cận toàn bộ tiền gửi của họ tại ngân hàng này bắt đầu từ ngày 13/3, đồng thời thiết lập một công cụ mới để các ngân hàng được tiếp cận nguồn vốn khẩn cấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạo điều kiện để các ngân hàng vay tiền dễ dàng hơn từ ngân hàng trung ương trong các trường hợp khẩn cấp.
Dù nhóm cổ phiếu công nghệ của Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch 13/3 tại châu Á nhờ tin tức nói trên, nhưng các ngân hàng ở đây vẫn không thể rũ bỏ tâm lý lo ngại về rủi ro hệ thống và nối gót đà giảm trên Phố Wall từ phiên cuối cùng của tuần trước.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), cổ phiếu của ngân hàng HSBC Holdings mở cửa giảm khoảng 1,7% xuống mức thấp nhất hai tháng qua, trong khi cổ phiếu của ngân hàng Standard Chartered giảm gần 1% và chạm “đáy” một tháng qua.
Bên cạnh đó, cũng trong phiên này, chỉ số Topix của Nhật Bản đã giảm 2% do nhóm cổ phiếu tài chính. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng Mitsubishi UFJ giảm gần 4% xuống mức thấp nhất một tháng qua, trong khi cổ phiếu của công ty tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group để mất gần 5%. Chỉ số dành riêng cho nhóm cổ phiếu ngân hàng Topix Banks Index đã giảm 4,75% tính đến giờ nghỉ trưa.
Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Singapore DBS đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10 năm ngoái, trong khi cổ phiếu của OCBC giảm gần 1,5%.
Các ngân hàng Mỹ đã mất hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường cổ phiếu hồi cuối tuần trước sau vụ phá sản của SVB, trong khi con số này của các ngân hàng châu Âu là khoảng 50 tỷ USD, theo tính toán của hãng tin Reuters.
Chỉ hai ngày sau khi nhà chức trách bang California đóng cửa ngân hàng SVB, ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác cũng ra thông báo chung về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ.