Nhiều rủi ro tiềm ẩn từ Bitcoin
Giá Bitcoin chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. |
Sự tăng giá “điên cuồng” chưa từng có trong lịch sử của Bitcoin khiến nhiều người vẫn lao vào tìm kiếm cơ hội làm giàu. Mới đây, mức giá Bitcoin đã cán mốc 20.000 USD/Bitcoin chỉ một tháng sau khi lần đầu tiên vượt mốc 5 con số đầu tiên trong lịch sử.
Bitcoin là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017. Bitcoin và cuộc chơi tiền ảo, tiền kỹ thuật số đã thực sự tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tham gia mới mỗi ngày và đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD.
Tại Việt Nam, bên cạnh những mới mẻ và cơ hội, người tham gia vào cuộc chơi này cũng chịu không ít rủi ro: từ những bất trắc vốn có của mô hình mới đến những hoạt động lừa đảo, gian lận đa cấp núp bóng tiền ảo… Trên một số sàn giao dịch tiền ảo lớn như Bittrex, poloniex.com, wex.nz,... lượng truy cập từ Việt Nam luôn nằm trong top 5. Trong khi đó, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và cập nhật để điều chỉnh với các sản phẩm mới.
“Bản thân tôi không ủng hộ việc áp luật hình sự cho hoạt động đầu cơ. Với Bitcoin, luật bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua Bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán. Một người sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất mà luật không có quy định liên quan thì đầu tư vào Bitcoin là hình thức đầu cơ vô cùng mạo hiểm.Với sàn Bitcoin Việt Nam, pháp luật Việt Nam chưa chính thức cho phép là sàn Bitcoin, mà chỉ là đơn vị tài chính, tư vấn môi giới. Rất khó để có một pháp luật nào quy định rõ ràng về Bitcoin. Vì vậy, Việt Nam vẫn hướng đến việc cho phép nhân dân làm những điều luật không cấm, tương tự trong bitcoin chỉ cấm về hoạt động thanh toán”, ông Đức nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng: Cần phải có sự quản lý của Nhà nước. Rủi ro khi bong bóng nổ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây cũng là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm.
Theo SSI, tài sản ảo quản lý, lưu ký là vấn đề rất phức tạp. Nếu những người lưu ký có ý đồ xấu có thể thế chấp tài sản này, nhất là khi nó không sờ, nắm thấy được. Khi nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn thì cần có quản lý Nhà nước. Nếu không có khung pháp lý thì sẽ không quản lý, bảo vệ mọi người trước sự lừa đảo nếu có của hoạt động này.
Xây dựng Đề án quản lý tiền kỹ thuật số
Theo TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng: Chính phủ cần đưa ra một phương án phù hợp để tiếp cận với Bitcoin; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hơn trong nghiên cứu để đưa ra chính sách cụ thể với thực tiễn biến động mạnh của đồng tiền này thời gian qua.
Theo đó, đề án nghiên cứu phải rất sát với thực tế, hiểu được về sự hình thành, phát triển của Bitcoin để đưa ra một kết quả đúng. Cách tiếp cận về cơ bản là cần hết sức thận trọng, có sự quan sát.
“Thận trọng ở đây thể hiện qua việc không thể tuyên bố chấp nhận Bitcoin được phép sử dụng rộng rãi ở thời điểm hiện tại, do mức độ hiểu biết của người dân, doanh nghiệp nước ta về tài chính, tiền tệ, tiền kỹ thuật số còn rất hạn chế, trong khi tâm lý của người dân lại rất phong trào. Chính vì tâm lý này mà lúc Bitcoin tăng giá sẽ rất vui nhưng lúc xuống thì có thể gây ra tâm lý hoảng loạn, đáng lo ngại, có thể gây hệ luỵ lớn trong xã hội mà mục tiêu của Việt Nam là ổn định kinh tế toàn xã hội”, TS Lực nói.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.
Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.