Trong bối cảnh đó, một số công ty chứng khoán vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới giao dịch, nhằm góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vừa chính thức khai trương địa điểm kinh doanh thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh và thứ 13 trên toàn quốc. Theo bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Giám Đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân của SSI, TP Hồ Chí Minh là thành phố đi đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính của các tổ chức kinh doanh, các tầng lớp dân cư trên địa bàn đang ngày càng gia tăng.
Để đáp ứng nhu cầu này, phòng giao dịch mới của SSI mở ra nhằm đóng góp thêm một địa chỉ giao dịch chứng khoán tin cậy cho các nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Ngoài SSI, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang tập trung mở rộng quy mô hoạt động. Giữa tháng 9/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng, nâng số cơ sở lên 10 chi nhánh. Bên cạnh cung cấp dịch vụ đến người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng, Mirae Asset cũng hướng đến đối tượng khách hàng nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng, đặc biệt là khách hàng Hàn Quốc. Công ty cổ phần Chứng khoán DSC cũng chính thức khai trương phòng giao dịch mới Hà Nội…
Ngoài ra, hầu hết các công ty chứng khoán cũng đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ; đồng thời mở các lớp đào tạo, phổ biến kiến thức, thông tin thị trường cho nhà đầu tư.
“Đây là dịp để chúng tôi tập trung củng cố nền tảng, đào tạo đội ngũ nhân sự, để khi thị trường tăng trưởng trở lại sẽ có ngay cơ sở vật chất, nhân sự chất lượng… từ đó có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất ra thị trường”, đại diện SSI cho biết.
Thị trường vẫn đang diễn biến giằng co bên cạnh một loạt yếu tố chi phối như lạm phát toàn cầu tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất… Theo ông Thân Trung Liệt, Giám đốc Phòng Giao dịch Nguyễn Hữu Cảnh, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, nhịp điều chỉnh của thị trường vừa qua là cần thiết sau giai đoạn tăng nóng. Đây được xem là cơ hội tốt để tích lũy, doanh nghiệp củng cố nội tại, từ đó sẽ lên một tầm cao mới.
Về dài hạn, ông Thân Trung Liệt cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong xu hướng tăng trưởng tích cực, nhờ triển vọng kinh tế và tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trên sàn. Do đó, việc SSI mở rộng quy mô và thị phần, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có nhiều thăng trầm lại càng cần thiết.
Ông Lê Nhị Năng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, thị trường chứng khoán đã trải qua 22 năm hình thành và phát triển. Chính phủ đã đề ra yêu cầu với thị trường chứng khoán là cần có sự phát triển về quy mô và chất lượng hơn nữa, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển bền vững hơn nữa.
Do đó, ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững trong 15-20 năm tới, tầm nhìn tới 2045.
“Với việc mở rộng quy mô hoạt động, SSI cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để nâng cao chất lượng tư vấn, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới, cải tiến cách làm cũng như mở rộng phạm vi kinh doanh, không chỉ tại Việt Nam mà còn rộng hơn với các nước bạn trên thế giới. Qua đó, nâng giá trị thương hiệu Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư”, ông Lê Nhị Năng cho biết.
Về phía các công ty chứng khoán kỳ vọng việc mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường hiện diện ở các tỉnh thành phố sẽ giúp hoạt động đầu tư chứng khoán ngày càng phổ biến, đến gần hơn với đại đa số người dân hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ đã đề ra là tỷ lệ người dân tham gia vào thị trường chứng khoán đạt khoảng 8% dân số vào năm 2030.