Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15 - 16/3 tới đây sau hơn 3 năm giữ mức lãi suất cơ sở gần bằng 0 cũng sẽ là yếu tố khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn trong tháng này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3, chỉ số VN-Index có phiên "lao dốc" khi mất mốc 1.500 điểm và ngưỡng hỗ trợ cứng MA50 bị xuyên thủng mạnh do áp lực bán tăng vọt vào cuối phiên. Đóng cửa, VN-Index mất 25,34 điểm, giảm 1,69% so với phiên trước đó, lui về 1.473,71 điểm.
Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu trên cả 3 sàn giao dịch trong phiên hôm nay đều chìm trong sắc đỏ. Toàn sàn HOSE chỉ có 95 mã tăng giá, trong khi có 370 mã giảm giá và 34 mã đứng ở mốc tham chiếu. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của chỉ số VN-Index, hòa cùng màu sắc ảm đạm chung của chứng khoán toàn cầu.
Trong báo cáo chiến lược tháng 3/2022 mới phát hành, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, căng thẳng giữa Nga - Ukraine bất ngờ khởi phát trong những tuần cuối tháng 2/2022 đưa thị trường đảo chiều sang trạng thái tiêu cực. Về mặt kinh tế, căng thẳng Nga - Ukraine sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên nền kinh tế Việt Nam, do giá trị thương mại giao thương với hai quốc gia trên là không đáng kể. Dẫu vậy, trong ngắn hạn, tâm lý phòng thủ trước những bất ổn kinh tế có thể phát sinh từ sự đáp trả qua lại giữa các bên trong cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ tạo nên những phiên biến động mạnh cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặt khác, giá nhiều loại hàng hóa đã vọt lên các mức cao kỷ lục nhiều năm, buộc các nhà quan sát phải đánh giá lại dự báo về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, với các cảnh báo về khả năng lạm phát tăng mạnh và tăng trưởng thấp hoặc suy thoái kinh tế được đưa ra. Dòng tiền theo đó có thể trú ẩn vào các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng - bằng chứng là giá vàng liên tục tăng sốc trong thời gian gần đây, thay vì đầu tư cổ phiếu.
Ngoài ra, quyết định nâng lãi suất của Fed dự kiến sẽ công bố giữa tháng 3 cũng là yếu tố đang được giới đầu tư quan tâm theo dõi sát sao.
Trong cuộc họp của Fed ngày 26/1/2022 vừa qua, Fed phát tín hiệu sẽ có nhiều hơn 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay, do lạm phát tại Mỹ đạt mức cao kỉ lục. Trong đó, mức kì vọng về đợt tăng lãi suất của Fed có thể đạt 0,5 điểm % so với mức dự báo trước đó là 0,25 điểm %. Trong kịch bản tốt hơn dự kiến là mức tăng chỉ khoảng 0,25 điểm % trong bối cảnh xung đột chính trị leo thang tại Nga và Ukraine thì điều này có thể tác động tích cực trong ngắn hạn về mặt tâm lý chung trên thị trường.
"Tác động đến Việt Nam đầu tiên và dễ thấy nhất là kỳ vọng của thị trường, điều này phản ánh qua kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự không chắc chắn về triển vọng nâng lãi suất của Fed đã và đang tạo ra tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư. Lý do e ngại gồm khả năng đảo chiều của dòng vốn ngoại, ảnh hưởng của việc nâng lãi suất của Fed đến các cân đối vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, cán cân thanh toán và lãi suất. Từ đó, kéo theo sự thay đổi trong quan điểm về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước", các chuyên gia của VDSC nhận định.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho rằng, tác động chủ yếu của việc Fed dự kiến tăng lãi suất là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và sự biến động của thị trường sẽ tăng lên trong tháng 3.
Theo MBKE, khối ngoại có thể sẽ rút khỏi Việt Nam trong thời gian ngắn như năm 2016, khi Fed bắt đầu một loạt các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, áp lực bán có thể sẽ không đáng kể, vì nhóm này đã bán ròng 2,5 tỷ USD trong 12 tháng qua. MBKE kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ sớm quay trở lại Việt Nam, bởi sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Thực tế, khối này đã mua ròng 21 triệu USD vào tháng 2/2022 lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021.
"Việc tăng lãi suất của Fed không nhất thiết dẫn đến việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, vì các điều kiện vĩ mô có thể sẽ tiếp tục thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,7% và lợi nhuận doanh nghiệp ở mức 25% trong năm 2022. Chỉ số VN-Index có thể ở mức 1.800 điểm, với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) năm 2022 là 16,5 lần, mức trung bình 5 năm", báo cáo của MBKE nhận định.
Với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần đây, giới phân tích cho rằng, tác động từ việc Fed nâng lãi suất có thể đã được phản ánh phần lớn. Hơn nữa, diễn biến các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy mức độ tương quan khá thấp. Tuy vậy, các tín hiệu của Fed về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai có ý nghĩa quan trọng và cần được theo dõi thêm.
Trong giai đoạn hiện tại, thị trường chứng khoán dường như có phần bớt sự hưng phấn hơn, khi giá trị giao dịch qua khớp lệnh (bình quân khoảng 24.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 2) đã giảm 14% so với giai đoạn cao trào vào tháng 11 - 12/2021 và chỉ số đang giao dịch quanh mức 1.500 điểm, tương ứng mức P/E của VN-Index là 17 lần. Do đó, dòng tiền chảy vào thị trường sẽ mang tính chọn lọc hơn so với giai đoạn trước và hướng đến các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng cao, còn dư địa hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hóa trong năm 2022.
"Khi thị trường còn tiềm tàng bất ổn, chúng tôi cho rằng việc duy trì tỷ lệ sức mua nhất định sẽ giúp nhà đầu tư có vị thế tốt hơn trong những nhịp sụt giảm giá cổ phiếu. Đồng thời, nhà đầu tư có thể xem xét hiện thực hóa lợi nhuận ở những cổ phiếu đã có mức tăng giá tốt. Chúng tôi kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định và thị trường có thể phục hồi trở lại vào thời gian cuối tháng, khi các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2022, mà chúng tôi tin rằng vẫn khả quan ở nhiều ngành nghề, dần được hé lộ", chuyên gia của VDSC khuyến nghị.