Xanh hóa ngành điện là mục tiêu trọng điểm của Việt Nam
Từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, COP28 diễn ra tại Dubai, UAE với gần 200 quốc gia tham dự, trong đó có Việt Nam. Việt Nam muốn cho các nước thấy những cố gắng trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0”, đặc biệt là kế hoạch xanh hóa ngành điện.
Theo Ủy ban Châu Âu (EC), phát thải CO2 ra môi trường của nước ta vào năm 2022 đạt mức 327 triệu tấn. Trong đó, lĩnh vực điện vẫn là phân khúc phát thải cao nhất, đạt 131 triệu tấn CO2, chiếm 40% tổng lượng khí thải và đang có xu hướng mở rộng nhanh hơn so với giai đoạn trước đó. Tiếp sau đó là lĩnh vực công nghiệp với lượng phát thải hơn 85 triệu tấn CO2 và lĩnh vực công nghiệp chế biến đạt 54 triệu tấn CO2.
“Không chỉ riêng Việt Nam, ngành điện vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc giảm phát thải CO2 từ lĩnh vực điện, thông qua các nguồn năng lượng tái tạo, sẽ đóng góp rất lớn vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Các mặt hàng kim loại thường đóng vai trò chủ chốt trong quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng xanh. Với khả năng tái chế, xu thế tiêu thụ kim loại dự kiến sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết.
Kim loại sẽ lên ngôi khi nguồn điện tái tạo được thúc đẩy
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hầu hết các quốc gia đang đẩy mạnh nguồn điện gió, cũng như năng lượng mặt trời trong những năm gần đây thay vì áp dụng những nguồn điện sạch quen thuộc như điện hạt nhân, thủy điện.
Việt Nam cũng đã đặt ra những mục tiêu phù hợp với sự thay đổi của thế giới. Theo Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ nước ta đặt mục tiêu chuyển dịch từ thủy điện sang áp dụng điện gió, cùng với điện mặt trời, lần lượt chiếm 29,4% và 34,4% tổng công suất nguồn điện cho đến năm 2050.
Để phát triển hai nguồn điện trên, nguồn cung kim loại cần được đáp ứng đầy đủ. Thông thường, mỗi 1 megawatt (MW) công suất trong điện gió ngoài khơi sẽ tiêu thụ 8.000 kg đồng, 240 kg niken, trong khi đó điện gió trên bờ cần 2.900 kg đồng, 404 kg niken.
Đối với một tua-bin gió 3 MW có thể chứa tới 4.700 kg đồng với 53% nhu cầu đến từ cáp và hệ thống điện, 24% từ các bộ phận phát điện, 4% từ máy biến áp và 19% đến từ máy biến áp tua-bin. Ngoài ra, 2.000 kg niken được sử dụng trong tua-bin gió với mục đích chính là tăng độ bền và độ dẻo dai của các hợp kim thép.
Bên cạnh đó, mặc dù số lượng bạc được sử dụng không quá nhiều trong các tấm pin mặt trời. Tuy nhiên, bột bạc là một chất cần thiết để thu thập và vận chuyển electron từ lớp N sang lớp P của tế bào quang điện, tạo ra dòng điện.
Sau COP28, vai trò của kim loại trong năng lượng tái tạo sẽ càng được đẩy mạnh để phù hợp với mục tiêu được đề ra, đồng thời những gói tài trợ được thông qua sẽ thúc đẩy quá trình “xanh” hóa của các quốc gia mới nổi. Trong đó, Việt Nam dự kiến nhận được 15,5 tỷ USD để chuyển đổi sang năng lượng sạch với các lĩnh vực chính là năng lượng mặt trời, điện gió.
Việt Nam đang nỗ lực tự chủ nguồn cung kim loại
Với khoản tài trợ sau COP28, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng công suất tái tạo để đạt được mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII, cao hơn là Thỏa Thuận Paris. Như vậy, phát triển chuỗi cung ứng kim loại sẽ là cấp thiết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của các kim loại trong quá trình “xanh” hóa nguồn điện như đồng, bạc, niken, Chính phủ đã có những chủ trương để đảm bảo nguồn cung trong tương lai. Điển hình là Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng kim loại trong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát là tài nguyên khoáng sản hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
Trên thực tế, Việt Nam hiện có 3,8 triệu tấn trữ lượng niken, cùng với chủ trương thúc đẩy khai thác, nên nguồn cung tương đối đảm bảo so với nhu cầu đạt mức 1.200 tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, đối với đồng, kim loại chủ chốt cho năng lượng tái tạo được McKinsey đánh giá sẽ thiếu hụt khoảng 6,5 triệu tấn trên toàn cầu vào năm 2031. Tại Việt Nam, trữ lượng đồng chỉ đạt 1,8 triệu tấn, so với nhu cầu tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, và sẽ còn tăng nhanh trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, nước ta cũng không có nhiều mỏ bạc mà chủ yếu thu thập dưới dạng sản phẩm phụ trong quá trình khai thác các kim loại khác, nên sản lượng không cao, chất lượng thấp.
Vì vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bên cạnh chủ động nguồn cung thì cánh cửa hợp tác thương mại quốc tế để đảm bảo nhập khẩu các kim loại công nghiệp cũng được xem xét. Ngoài ra, việc đẩy mạnh khả năng tái chế kim loại cũng góp phần giảm áp lực nguồn cung.
“Trong bối cảnh các tổ chức lớn đang dự báo thị trường niken và thị trường đồng sẽ thặng dư trong vài năm tới, do bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, giá các mặt hàng kim loại trên có thể vẫn còn gặp áp lực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ có thể tăng mạnh trong dài hạn do quá trình chuyển đổi năng lượng được thúc đẩy, đặc biệt là sau các sự kiện quan trọng như COP28. Vậy nên, những năm tới sẽ là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kim loại, đón đầu xu thế tương lai.”, ông Quang Anh đánh giá.