Gia tăng tiện ích thanh toán
Có thể thấy, hơn 1 năm qua đã có khoảng 94% ngân hàng triển khai chiến lược chuyển đổi số để hình thành hệ sinh thái thanh toán số. Điển hình, LienVietPostBank đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số LienViet24h trên cơ sở hợp nhất các nền tảng online, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. SeABank cũng ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, với sự đồng nhất tất cả trải nghiệm, giao diện và tính năng ở mọi nền tảng máy tính, thiết bị di động với tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng, giúp khách hàng thanh toán mọi loại hóa đơn. Vietcombank cũng ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank, giúp khách hàng trải nghiệm mọi tiện ích tài chính từ chuyển tiền, gửi tiết kiệm tới thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, học phí, dịch vụ hành chính công, mua sắm trực tuyến…
Theo đại diện ABBank, việc áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt đang dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng, tự do và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp. Chỉ cần một thiết bị có kết nối mạng, người tiêu dùng dễ dàng thao tác, thực hiện nhiều loại hình dịch vụ khác nhau như về tài chính, ngân hàng, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, thanh toán các hóa đơn điện, nước, nộp các khoản, phí, lệ phí... mà không cần trực tiếp đến nơi giao dịch cũng như không cần thực hiện các thủ tục giấy tờ phức tạp. Bên cạnh đó, qua hệ sinh thái thanh toán số, các thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cũng thừa nhận, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể vì người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Khảo sát của Visa cho thấy, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm. Đó cũng là lí do, các doanh nghiệp Việt hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Không chỉ trong giao dịch mua bán, các dịch vụ hành chính công được quyết liệt triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dùng tài khoản tại ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; nhiều bộ, ngành cũng đã có những chỉ đạo, giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay, 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh, thành phố; 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 93,9% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản, tăng so với tỷ lệ 81% tại thời điểm cuối năm 2016…
Chưa kể, hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, giúp doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%…
QR Code, thế mạnh thanh toán không tiếp xúc
Với việc giao dịch mua bán trực tiếp, QR Code được các chuyên gia kinh tế đánh giá là thanh toán không tiếp xúc hiện nay. Vì không cần nhiều thao tác phức tạp, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và quét mã QR đơn giản, người dùng đã có thể thanh toán các loại hóa đơn một cách thuận tiện. Nhờ vậy, việc sử dụng QR Code đang dần phủ sóng trên tất cả các “mặt trận” như siêu thị, nhà hàng, shop thời trang, rạp chiếu phim…
Theo đó, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là QR Code đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ).
Ngoài ra, để khuyến khích người dùng, các ngân hàng, ví điện tử trung gian thanh toán như MoMo, ZaloPay, Payoo, SmartPay, AirPay, VNPay, ViMo, VinID… còn tích cực hợp tác để thanh toán bằng QR Code. Như mới đây, Vietcombank đã hợp tác với Công ty TNHH Mạng lưới Thông minh (SmartNet) để để đa dạng hóa thanh toán trên ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank
Qua đó, khách hàng của Vietcombank sẽ có thêm lựa chọn mua sắm và thanh toán bằng mã QR tại tất cả đối tác, doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng, dịch vụ… có liên kết với SmartPay như: chuỗi cửa hàng tiện lợi GS 25 Việt Nam, 7-Eleven, chuỗi nhà thuốc Phano Pharmacy, Bạch Long Mobile, Di động Việt, Bitis, Máy bán hàng Toro, Thảo Cầm Viên Sài Gòn…
Chị Minh Ngọc, ngụ tại quận 2 cho biết: “Do công ty trả lương qua ngân hàng Vietcombank nên ngân hàng này liên kết với ví nào mà có khuyến mãi, tôi đều tải app về sử dụng. Hiện tại, mỗi lần đi siêu thị Vinmart, Co.opmart hay các cửa hàng tiện lợi, tôi đều dùng app QR Code của các ví điện tử có tích hợp với ngân hàng để thanh toán hàng hóa, vừa tiện lợi vì không phải mang theo nhiều tiền mặt trong túi, vừa không phải chạm nhiều trong tình hình căng thẳng dịch bệnh”.
Tuy nhiên, hiện nay thanh toán bằng QR Code đa phần vẫn được người tiêu dùng sử dụng để thanh toán món hàng nhỏ; với món hàng lớn, khách hàng thường dùng hình thức chuyển khoản vì có nhiều lớp bảo mật hơn. Chưa kể hiện nay, mỗi ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán lại có một hệ thống mã QR riêng. Do đó, khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực tế thanh toán bằng QR Code đem lại nhiều sự tiện lợi cho cả người dùng, ngân hàng và các doanh nghiệp. Về phía người dùng có thể thanh toán nhanh hơn, độ bảo mật, an toàn cao. Bởi lẽ khi thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ thì có thể lộ thông tin trên thẻ, từ đó gặp những rủi ro về tin tặc. Do đó, cần hình thành hệ sinh thái cho thanh toán không dùng tiền mặt để gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là hạn chế không tiếp xúc khi mua bán, giao dịch trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối tháng 3/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 272.263 POS và 19.714 ATM (tăng tương ứng 6,06% và 0,85% so với cùng kỳ năm 2020).
Đáng chú ý, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị); giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị).