Giàn khoan dầu tại cơ sở sản xuất dầu mỏ Chevron ở Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dù sản lượng dầu của Mỹ gia tăng khiến nhiều nhà phân tích dự đoán rằng giá dầu sẽ giảm xuống trong năm nay, nhưng trong phiên giao dịch sáng 29/1, dầu mỏ vẫn vững giá trên thị trường châu Á nhờ sự hậu thuẫn của một loạt nhân tố: Nhu cầu cao, đồng USD yếu và thỏa thuận cắt giảm sản lượng do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga dẫn dắt.
Cụ thể, tại thị trường Singapore, vào lúc 8 giờ 44 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 20 xu Mỹ, hay 0,3% lên 66,34 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc chỉ giảm nhẹ 3 xu Mỹ xuống còn 70,49 USD/thùng.
Các thị trường dầu đang được hỗ trở bởi nguồn cung thắt chặt nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC và Nga dẫn dắt, vốn bắt đầu từ tháng 1/2017 và dự kiến kéo dài đến hết năm 2018. Nguồn cung thắt chặt cùng với nhu cầu gia tăng đã góp phần khiến giá dầu tăng gần 60% kể từ giữa năm 2017.
Giới đầu tư cho rằng giá dầu cũng đang được hưởng lợi từ đồng USD yếu. “Đồng bạc xanh” đã mất giá hơn 3% so với rổ các đồng tiền chủ chốt kể từ đầu năm nay và giảm gần 13% kể từ tháng 1/2017. Ngân hàng JP Morgan của Mỹ đã nâng dự báo giá dầu trung bình trong năm 2018 thêm 10 USD lên 70 USD/thùng đối với dầu Brent và thêm 10,70 USD lên 65,63 USD/thùng đối với dầu thô ngọt nhẹ Mỹ.
Tuy nhiên, giá dầu cũng được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng bởi sản lượng dầu của Mỹ gia tăng. Sản lượng dầu Mỹ được dự đoán sẽ sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày. Các công ty năng lượng Mỹ đã thêm 12 giàn khoan dầu trong tuần trước lên 759 giàn, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Sản lượng dầu của Mỹ đã xấp xỉ với nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia, và chỉ đứng sau Nga với sản lượng trung bình lên đến 10,98 triệu thùng/ngày trong năm 2017.