Chị Mai ở phố Nguyễn Khang, là nhân viên một công ty nước ngoài, mỗi lần lĩnh lương hoặc thưởng chị thường dành một khoản tiền để đầu tư. Chị Mai cho biết có rất nhiều cách để giữ tiền, nếu như trước kia chị hay đi mua vàng thì nay chị gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Không khó để nhận ra lý do chị Mai thay đổi cách thức quản lý tài sản của mình. Chị Mai chia sẻ giờ giữ vàng không có lãi, gửi tiết kiệm sinh lời hơn. Vàng giờ chỉ là biện pháp giữ tiền nằm im mà thôi.
Câu chuyện của chị Mai cũng là câu chuyện của thị trường vàng hiện nay, là minh chứng cho độ "lấp lánh" của vàng đã không còn hấp dẫn.
Nhìn lại hơn 5 năm về trước, những "cơn sốt" vàng khiến người dân nườm nượp đi mua vàng, nhà đầu tư nhiều phen "đứng tim" khi giá vàng phi mã chóng mặt. Mấy năm trở lại đây giá vàng liên tục đi ngang khiến kim loại quý này không còn là kênh đầu tư hiệu quả.
Trong năm 2018, giá vàng trong nước chỉ lình xình quanh mức 36 - 37 triệu đồng/lượng. Thời điểm cao nhất trong năm giá vàng cũng chỉ ở mức 37,21 - 37, triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) vào ngày 25/1. Còn mức thấp nhất trong năm 2018 là 36,19 - 36,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) vào ngày 13/12. Tính chung cả năm nếu ai đi mua vàng thời điểm đầu năm và cuối năm mang bán sẽ lỗ khoảng hơn 300.000 đồng mỗi lượng.
Năm 2019 mở ra nhiều triển vọng cho kim loại quý trên thị trường thế giới. Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay có nhiều biến động khiến vàng bắt đầu tăng giá, từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới tăng khoảng 4 - 5%. Tuy nhiên vàng trong nước vẫn kém hấp dẫn bởi Nhà nước vẫn kiên định với chính sách quản lý thị trường vàng ổn định.
"Về lâu về dài giá vàng trong nước sẽ sát với giá thế giới. Do đó khả năng sinh lời sẽ không cao, vàng không còn hấp dẫn như trước", Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.
Thực tế từ đầu năm 2019 đến nay dù giá vàng thế giới có nhiều biến động nhưng vàng trong nước hầu như "án binh bất động", kim loại quý vẫn lình xình dưới ngưỡng 37 triệu đồng/lượng.
Kim loại quý đã mất đi sức hấp dẫn từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng (Nghị định 24) có hiệu lực; trong đó, quy định Nhà nước là đơn vị độc quyền trong việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng trên thị trường.
Đây chính là phương thuốc hữu hiệu "cắt cơn" nóng lạnh thị trường vàng. Minh chứng cho điều này là từ sau năm 2012, thời điểm Nghị định 24 có hiệu lực, giá vàng đã tuột dốc từ mức trên 40 triệu đồng/lượng xuống ngưỡng trên 30 triệu đồng/lượng. Suốt một thời gian dài đến nay kim loại quý hầu như đi ngang.
Trong phiên giao dịch hôm nay 14/3, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội thời điểm 9 giờ 41 phút được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở ngưỡng 36,59 - 36,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 20 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua và bán so với mức giá chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 13/3, giá vàng đi lên và chạm mức cao nhất trong gần hai tuần, khi số liệu mới về kinh tế Mỹ củng cố quan điểm Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kiên nhẫn với chính sách tiền tệ.
Thống kê cho thấy trong tháng Hai giá sản xuất nội địa tại Mỹ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 6/2017. Theo các chuyên gia, số liệu đáng thất vọng về giá sản xuất và lạm phát đã thúc đẩy quan điểm rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, qua đó hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ vàng. Dự kiến, Fed sẽ nhóm họp vào trong hai ngày 19-20/3.
Bên cạnh đó, diễn biến mới xung quanh tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit) cũng là yếu tố hỗ trợ giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank (chưa tính thuế và các khoản phí), giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 150 nghìn đồng/lượng.